logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa thế giới
  • Văn hóa châu Phi và châu Úc
Wednesday, 13 May 2009 03:10

Vũ Tuyết Loan. Tôn giáo trong chính sách đa văn hóa ở Australia

Người post bài:  TT VHH

TÔN GIÁO TRONG CHÍNH SÁCH ĐA VĂN HÓA

Ở AUSTRALIA

TS. Vũ Tuyết Loan

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

Nguyên thuỷ của tên ''Australia'' được tạo nên bởi một thuật ngữ bằng tiếng Hy Lạp “Terra Australis Incognita”. Terra có nghĩa là mảnh đất, Australis có nghĩa là ở phía Nam, Incognita có nghĩa là vô chủ hoặc là không biết. Kết hợp những chữ đó lại với nhau ta có được một định nghĩa: một mảnh đất không được biết đến ở phía Nam. Thuật ngữ này lần đầu tiên được nhà địa lí Ptolemy dùng vào thế kỉ II. Ông đã phác hoạ một tấm bản đồ về vùng bờ biển đã được biết đến của Châu Á và một vùng đất lớn chưa được biết đến ở phía Nam châu lục này.

  1. Sơ lược về những nền văn hoá khác nhau ở Australia

Nguyên thuỷ của tên "Australia" được tạo nên bởi một thuật ngữ bằng tiếng Hy Lạp “Terra Australis Incognita”. Terra có nghĩa là mảnh đất, Australis có nghĩa là ở phía Nam, Incognita có nghĩa là vô chủ hoặc là không biết. Kết hợp những chữ đó lại với nhau ta có được một định nghĩa: một mảnh đất không được biết đến ở phía Nam. Thuật ngữ này lần đầu tiên được nhà địa lí Ptolemy dùng vào thế kỉ II. Ông đã phác hoạ một tấm bản đồ về vùng bờ biển đã được biết đến của Châu Á và một vùng đất lớn chưa được biết đến ở phía nam châu lục này.

  Đó có thể là tất cả những gì thế giới bên ngoài biết được về đất nước Australia trước năm 1770.

  a. Lịch sử đã ghi lại rằng, năm 1770, James Cook, một thuyền trưởng người Anh đã cùng những thuỷ thủ của ông đặt chân lên mảnh đất xa lạ này. 18 năm sau, năm 1788, Chính phủ Anh quyết định dùng nơi đó để giam giữ các tội phạm, nhưng thực chất là để chiếm hữu mảnh đất này làm thuộc địa của mình.

  Ngày 26 tháng Giêng năm 1788, 11 chiếc thuyền với hơn 1.400 người, bao gồm những tội phạm, các nhân viên chính quyền, thuỷ thủ, trẻ em, v.v... đã đến Australia. Sau đó, ngày 26 tháng Giêng đã được chọn làm ngày Quốc khánh Australia.

  Như vậy, nền văn hoá đầu tiên du nhập đến mảnh đất Australia xa xôi là nền văn hoá Anh. Đó là nền văn hoá chủ yếu và có ảnh hưởng lớn đến xã hội Australia.

  b. Trước khi nền văn hoá Anh du nhập tới mảnh đất này, chúng ta phải kể đến nền văn hoá thổ dân Australia (Aboriginal Culture). Nhiều nhà sử học cho rằng, thổ dân Australia đã có mặt nơi mảnh đất này vào khoảng 50.000 năm trước đây. Công việc chính của họ là săn bắn, bắt cá và hái lượm rau quả  có sẵn từ thiên nhiên. Họ không chăn nuôi, trồng trọt như dân tộc khác. Họ không định cư một chỗ mà luôn di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Thổ dân Australia sống thành từng bộ lạc. Người trong một bộ lạc nói chung một thứ ngôn ngữ, cùng có những dấu vết riêng trên cơ thể, ví dụ như những vết sẹo ở trên người, răng cửa bị gẫy, v.v... để dễ dàng phân biệt với các bộ lạc khác. Một số tài liệu cho rằng, thổ dân Australia có đến gần 700 thứ ngôn ngữ khác nhau. Mỗi vùng có một hình thức tôn giáo riêng được bắt nguồn từ môi trường sống của họ. Bất cứ người thổ dân nào cũng đều tin rằng, chính mảnh đất này đã sinh ra Tổ Tiên của họ. Chính vì vậy mà đất đai, sông núi mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng đối với họ. Có thể nói rằng, văn hoá thổ dân Australia là một trong những nền văn hoá lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại.

  c. Tiếp đến là nền văn hoá của những di dân. Từ năm 1851 đến năm 1861, gần 700.000 người  đã di cư đến Australia từ Châu Âu, trong đó có rất nhiều người sang để tìm vàng. Đó là số di dân đầu tiên trong lịch sử Australia. Nhưng số người đó thực sự chưa đủ để tạo nên một dòng văn hoá, có thể ảnh hưởng vào xã hội Australia, vào nền văn hoá Anh.

  Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, chính sách di trú của Chính phủ mới thực sự là nhân tố quan trọng trong việc gia tăng dân số ở Australia, nhưng nó vẫn bị hạn chế trong việc chỉ tiếp nhận những di dân đến từ các nước nói tiếng Anh hoặc từ Châu Âu. Phải cho tới giữa những năm 1970, khi chính sách đó được thay thế bằng một chính sách cởi mở hơn, cho phép tiếp nhận những di dân đến từ bất cứ nơi nào trên thế giới, thì lúc đó, nền văn hoá của những di dân  mới bắt đầu được hình thành, cùng với nền văn hoá Anh và nền văn hoá thổ dân, ảnh hưởng lẫn nhau, làm phong phú thêm nền văn hoá Australia và tạo nên một diện mạo mới cho xã hội Australia.

  Australia là quốc gia rộng lớn với diện tích rộng 7,69 triệu km2, đứng thứ 6 sau Nga, Canađa, Trung Quốc, Mỹ và Braxin. Ở đây có bờ biển dài 36.735 km với những vùng rừng núi và đồng bằng rộng lớn về phía bắc, những cánh đồng tuyết phủ ở phía đông - nam, sa mạc ở vùng giữa, những vùng đất trồng trọt màu mỡ ở phía đông, nam, và tây nam, dân số chỉ có hơn 19 triệu người, với nhiều tài nguyên chưa được khai phá, vì vậy làn sóng người di cư vẫn ồ ạt đổ về đây không lúc nào ngớt.

  2.  Xã hội đa văn hoá ở Australia

  * Chính sách “Australia da trắng”

Trong vòng hơn 100 năm, chủ trương cơ bản của chính sách di trú Australia là một chính sách “Australia da trắng”. Chính sách này một lần nữa lặp lại trong chương trình di trú mới của Australia, “Chương trình di trú sau chiến tranh” do Bộ trưởng Bộ Di trú đầu tiên của Australia ông Arthur Calwell đưa ra. Cho tới năm 1972, chính sách này mới hoàn toàn bị bãi bỏ.

  “Chương trình di trú sau chiến tranh” đã đưa vào Australia một số lượng người nhập cư lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước này. Những di dân này đã bắt đầu tham gia vào các công việc quan trọng trong đời sống xã hội Australia và có những đóng góp ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, khoa học, giáo dục, chính trị, v.v... Tuy nhiên, để cho những di dân có thể có cơ hội làm việc bình đẳng như những người Australia gốc Anh, Chính phủ và người dân Australia đã mất rất nhiều công sức và cố gắng để xoá đi những quan điểm kì thị, định kiến chống lại những người nhập cư của một vài đảng phái và một số người quá khích.

  * Chính sách đồng hoá

Sau Thế Chiến Thứ Hai, khi số người nhập cư vào Australia tăng lên một cách nhanh chóng, thì chính sách đồng hoá được hình thành và áp dụng triệt để đối với những người này. Để duy trì nền văn hoá truyền thống Australia một cách hiệu quả nhất, những công dân mới của Australia bắt buộc phải thích nghi với phong tục, tập quán, văn hoá và ngôn ngữ Australia, đồng thời phải nhanh chóng từ bỏ nền văn hoá cũ của họ. Bộ trưởng Bộ Di trú trong Chính phủ Liên Hiệp Anh cuối năm 1969 đã nói: “Chúng ta chỉ nên có một nền văn hoá (văn hoá Anh) mà thôi. Nếu như Bộ Di trú đồng ý với những hoạt động đa văn hoá trong xã hội Australia, thì đó không phải là điều mà đất nước Australia mong muốn. Tôi xin xác định rõ một lần nữa rằng, chúng ta chỉ nên có một nền văn hoá... chúng ta không muốn có một chủ nghĩa số đông”(1).

  Chính sách đồng hoá tìm mọi cách để hoà nhập những di dân vào xã hội Australia càng nhanh càng tốt. Nhưng chính sách này đã gây bất lợi cho những người mới nhập cư đến từ những nước không nói tiếng Anh. Cho tới năm 1966, 10% những di dân người Đức, 18% những di dân người Hà Lan và 13% những di dân người Ý đã rời khỏi Australia. Những người còn lại bắt đầu đòi quyền được duy trì những phong tục, tập quán, ngôn ngữ từ nền văn hoá cũ của họ. Khoảng giữa những năm 1970, chính sách đồng hoá của Bộ Di trú được thay thế bằng một chính sách mới, “Chính sách đa văn hoá”.

  * Chính sách đa văn hoá

Chính sách đa văn hoá đã được sự ủng hộ tuyệt đối của cả hai đảng chính trong Chính phủ Australia. Tất cả những hình thức văn hoá cổ truyền của các di dân như âm nhạc, ca múa, trang phục, ẩm thực, tôn giáo, ngôn ngữ, quan hệ xã hội, v.v... đã được phục hồi và khuyến khích phát triển. Tất cả nền văn hoá khác nhau đều có quyền duy trì, mỗi nền văn hoá đó sẽ ảnh hưởng và đóng góp vào nền văn hoá chung Australia. Như vậy, chính sách đa văn hoá đã thực sự thay chỗ cho chính sách đồng hoá văn hóa đã tồn tại quá lâu ở Australia.

  * Chính sách đa văn hoá trên bình diện lí luận

Một số nhà chính trị, xã hội Australia đã đóng góp rất nhiều ý kiến quan trọng trong việc khuyến khích và chấp nhận những ý tưởng và quan niệm về một xã hội đa văn hoá.

  Al Grassby, người gốc Anh, Bộ trưởng Bộ Di trú Australia năm 1973, trong bài phát biểu với nhan đề “Xã hội đa văn hoá cho tương lai”, đã nhấn mạnh rằng: “Nếu không có một xã hội đa văn hoá, thì những di dân đến từ các nước không nói tiếng Anh sẽ trở nên bất lực trong việc đóng góp vào xã hội”(2).

  Nhà xã hội học Jersy Zubrzycki, năm 1977 đã khẳng định rằng, sự thiếu bình đẳng làm cho di dân không có những cơ hội tốt để phát triển, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ ra đi cao của họ. Ông kêu gọi sự cần thiết phải củng cố những cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người dân Australia, không phân biệt di dân hay không di dân. Một tổ chức do ông đứng đầu có tên là Uỷ ban Dân tộc học Australia đã hết sức ủng hộ trong việc phát triển xã hội đa văn hoá. Ông nói: “Mục đích của chúng ta cho đất nước Australia này là xây dựng một xã hội mà trong đó những người không phải là người Australia gốc Anh, cá nhân hoặc đoàn thể đều có được những cơ hội chọn lựa để duy trì và phát triển nền văn hoá của họ như ngôn ngữ, truyền thống, nghệ thuật... Và từ đó, những điều này sẽ trở thành những yếu tố sống còn cho một nền văn hoá đa dạng của xã hội Australia. Cùng một lúc họ thấy hạnh phúc vì được sự tôn trọng của xã hội, và tất nhiên họ sẽ chấp nhận những nghĩa vụ công dân của mình với xã hội” (3).

  * Chính sách đa văn hoá trên bình diện thực tiễn

Trong khi cơn sóng của chủ nghĩa đa văn hoá đang nổi lên khắp Australia và nhanh chóng được chấp nhận như một tư tưởng triết học trên bình diện lí luận, thì Chính phủ vẫn rất chậm phát triển và biến những ý tưởng đó trở thành thực tế. Mãi cho đến năm 1978, Chính phủ Fraser mới soạn thảo một chương trình phục vụ những di dân, chương trình có tên là The Galbally Report. Chương trình này được đánh giá như một bước ngoặt lớn về bình diện thực tiễn của chủ nghĩa đa văn hoá. Chương trình bao gồm 4 yếu tố căn bản sau: 1) Tạo mọi cơ hội bình đẳng để chương trình có thể phục vụ được tất cả mọi người; 2) Mọi công dân Australia đều có quyền duy trì nền văn hoá của mình; 3) Cần phải có những chương trình phục vụ đặc biệt cho những di dân, nhằm đảm bảo quyền bình đẳng đã được đặt ra; 4) Các chương trình này cần được soạn thảo và thực hiện với sự tham khảo ý kiến đầy đủ của các di dân(4).

 Từ đó cho đến nay, nhiều đảng phái khác nhau đã lên nắm quyền, nhưng họ đều có một chủ trương chung là đầu tư và phát triển nhiều hơn nữa để xây dựng Australia thành một xã hội đa văn hoá, điều mà hầu hết mọi công dân Australia đều mong muốn.

  3. Xã hội đa văn hoá - Hình ảnh của đất nước Australia ngày nay

Australia trong thập niên 1990 được công nhận là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc xây dựng một xã hội đa dạng về văn hoá, dễ chấp nhận và khoan dung. Hơn 19 triệu người với 151 sắc tộc đến từ các nơi trên thế giới đã làm cho đất nước Australia trở thành quốc gia đa dạng nhất. Tính đa dạng trong văn hoá Australia là đặc điểm tiêu chuẩn trong bản sắc dân tộc và là một trong những sức mạnh quan trọng nhất để đối phó với những thách thức của một thế giới đang phát triển mạnh mẽ.

  Trong suốt 30 năm qua, đã có một sự thay đổi quan trọng tại những nước  có người muốn tới định cư tại Australia. Trong những năm 60 thế kỉ XX, có 46% số người định cư đến từ nước Anh và Ailen. Đến những năm 90 thế kỉ XX, chỉ còn 13% dân di cư đến từ hai nước này, và ngày càng có nhiều người đến định cư từ các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến tháng 6/2000, số người dân gốc Châu Á chiếm khoảng 6% dân số của Australia(5).

  Chính phủ Australia luôn cam kết thực thi các chính sách không phân biệt đối xử, khẳng định giá trị của việc xây dựng một xã hội ôn hoà, nhiều thành phần và đa dạng văn hoá thông qua hệ thống chính sách, Trong năm 1999-2000, có 92.300 người đến định cư lâu dài ở Australia, tăng 10% so với năm 1998-1999. 1/4 trong số đó đến từ New Zealand, 10% đến từ nước Anh, 7% đến từ Trung Quốc.

  Tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng ở Australia. Ngoài ra, ở nước này còn sử dụng hơn 100 ngôn ngữ khác trên thế giới và nhiều ngôn ngữ bản xứ. Khoảng 15% số dân Australia nói các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh khi ở nhà. Tiếng Ý, tiếng Trung Quốc, tiếng Hy Lạp, tiếng ảrập và tiếng Việt Nam là năm ngôn ngữ hay được dùng nhất.

Luật pháp và những chương trình công cộng.

Chính sách đa văn hoá nhằm đảm bảo quyền bình đẳng và nghĩa vụ của mọi công dân Australia. Tất cả công dân Australia đều có quyền phát biểu ý kiến, thể hiện các đặc điểm văn hoá và tín ngưỡng của mình để giành quyền bình đẳng trong đối xử và cơ hội trong phát triển và sử dụng những kĩ năng và tài năng của cá nhân. Họ cũng có những nghĩa vụ đối với đất nước Australia cam kết tôn trọng những giá trị và thể chế dân chủ, tôn trọng quyền tự do của người khác trong việc thể hiện bản sắc văn hoá và tín ngưỡng của họ.

  Vào năm 1996, Hạ viện Australia đã nhất trí thông qua Bản Tuyên bố của Quốc hội về sự không phân biệt chủng tộc. Bản Tuyên bố này đã lên án sự kì thị chủng tộc, khẳng định lại những nguyên tắc của các quyền bình đẳng bất chấp chủng tộc, màu da, tín ngưỡng hoặc nguồn gốc và cam kết tiến hành hoà giải với những người dân bản xứ Australia gắn liền với việc giải quyết đền bù những thiệt hại kinh tế và xã hội sâu sắc của họ.

  Vào tháng 12/1999, Chính phủ Liên bang đã đưa ra một chương trình nghị sự mới cho đất nước Australia đa văn hoá, qua đó nhấn mạnh đến sự cam kết củng cố và tập trung vào tính đa văn hoá của Australia. Chương trình bao gồm các chiến lược, chính sách được đưa ra nhằm: 1) Làm cho cơ cấu kinh tế, xã hội và quản lí của Australia phải có trách nhiệm lớn hơn đối với những quyền hạn, nghĩa vụ và nhu cầu của các công dân đa văn hoá của mình; 2) Thúc đẩy sự hoà hợp xã hội của những cộng đồng người có đặc điểm văn hoá khác nhau trong xã hội Australia; 3) Phổ biến những lợi ích của sự đa dạng văn hoá cho tất cả mọi người dân Australia.

Chính sách đa văn hoá của Australia dựa trên ba nguyên tắc: quyền có sắc diện văn hoá riêng, giá trị của công bằng xã hội và mối quan tâm đến tính hiệu quả trong kinh tế.

  4. Tôn giáo trong chính sách đa văn hoá ở Australia

Australia là một trong số ít những nơi không phải chịu sự căng thẳng về chủng tộc như thường thấy ở những nơi khác trên thế giới. Sự đa dạng sắc tộc làm phong phú thêm diện mạo đời sống xã hội Australia. Hằng năm, có rất nhiều người di cư tới vùng biển Australia, trong số đó, hơn 50% từ các nước Châu Á. Họ mang theo một hình ảnh đa dạng về văn hoá, ngôn ngữ và tôn giáo.

  Australia là một nước đa văn hoá, đa dân tộc, đa tôn giáo. Tôn giáo của Australia bao gồm: tôn giáo, tín ngưỡng của thổ dân Australia, Công giáo (Catholicism) 12,7%, Anh giáo (British Religious Sect) 23,9%, giáo phái Uniting (Uniting Religious Sect) 7,6%, Chính Thống giáo (The Orthodox Religion) 2,7%, giáo phái Baptit (Baptize Religious Sect) 1,3%, giáo phái Lute (Lute Religious Sect) 1,3% và giáo phái Giáo hội của Chúa (Church of God Religious Sect) 0,6%. Ngoài ra, ở Australia còn có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác, bao gồm Do Thái giáo (Juidaism), Hồi giáo (Islam Religion) khoảng 148.000 người, Phật giáo (Buddhism Religion) khoảng 140.000 người, giáo phái Tân Trưởng lão (Presbyterian New Religion) 732.000 người, giáo phái Ngũ tuần (Pentecostal Religion) 151.000 người), v.v… Do sự đa dạng tôn giáo của đất nước này, trong phần trình bày tiếp theo, chúng tôi chỉ tập trung chủ yếu vào tôn giáo, tín ngưỡng của thổ dân Australia, còn các tôn giáo khác xin được lược qua và sẽ trình bày trong một dịp khác.

  Tôn giáo, tín ngưỡng của thổ dân Australia

Tôn giáo, tín ngưỡng của thổ dân Australia quy tụ quanh một thế giới siêu nhiên gọi là “thời Mơ Mộng” (Dreamtime). Các thổ dân Australia tin rằng, họ có mối quan hệ họ hàng với môi trường tự nhiên, rằng linh hồn sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi con người chết và linh hồn sẽ quay về với thời Mơ Mộng. Đó là nơi mà nó đã sinh ra, và sẽ mang theo những kỉ niệm của chúng ta về thời Mơ Mộng. Nó tiếp tục được tái sinh theo kiếp luân hồi, có thể là dưới hình hài con người hay con vật, cây cối hay đất đai.

  Giai đoạn khởi đầu của cuộc sống con người được gọi bằng nhiều tên khác nhau tuy có cùng chung những đặc tính và đều được xem như có liên quan đến hiện tại “xuyên qua sa mạc Great Victoria Desert”. Từ ngữ được các thổ dân dùng để chỉ thời kì sáng tạo rất đa dạng: ở dãy Rawlinson Durma là djuguba hay djugurba, ở vùng Balgo người ta dùng từ djumanggani, phía Đông Kimberleys lại gọi là ungganingar, v.v… Tất cả những từ trên được dịch ra một cách đa dạng như “thời kì Sáng Tạo”, “thời Mơ Mộng”, “thời Mơ Mộng Vĩnh Hằng”(6), v.v... Khái niệm này có nghĩa là những vị thần được nói đến đã hiện diện từ khởi thuỷ đến nay vẫn tiếp tục hiện diện.

  “Tôn giáo nghĩa là nối kết lại. Thuyết duy linh là trung tâm của tôn giáo thổ dân, mô tả sự liên kết giữa nhân loại, thiên nhiên và thánh thần”(7).

  Huyền thoại về thời Mơ Mộng bao gồm ba điều kiện cơ bản của cuộc sống, trái đất, những hình thái của cuộc sống và mối quan hệ họ hàng. Mơ Mộng có thể được xem như sự thể hiện siêu hình những sự thực nguyên thuỷ, vạch ra sự khai sinh của thế giới và vị trí của con người trong đó. Mơ Mộng không phải là một nơi xa lạ nào đó làm chỗ trú ngụ của các thần linh vô danh, mà là nơi của giấc ngủ siêu hình của những người thổ dân. Các thổ dân đã làm nên “bộ mặt của trái đất” Bhagavadgita của họ. Thực ra, Mơ Mộng chính là chiếc thuyền thoả ước của thổ dân mà họ đã mang theo vào lục địa Australia ngay từ lúc khởi đầu(8). Sự phản ánh những mơ mộng nguyên thuỷ và những câu chuyện về thời Mơ Mộng đã tạo niềm tin tôn giáo trường tồn xa xưa nhất, đã được chứng minh qua tư liệu ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

  Tổ tiên thời Mơ Mộng đã sáng tạo ra thế giới, biểu tượng là con Rắn Cầu Vồng đầy quyền uy đại diện cho sự thiêng liêng của trái đất và có nhiệm vụ hướng dẫn thực hành các nghi lễ. Huyền thoại về Rắn Cầu Vồng là một phần của chủ đề tôn giáo cổ xưa nhất được con người minh hoạ qua những bức tranh trong các hang động từ hơn 20.000 năm trước. Theo một huyền thoại cổ ở vùng Arnhem Land, Rắn Cầu Vồng vĩ đại Ngaljod  hiện thân dưới dạng cái Ulbar, một khúc gỗ có lỗ hổng dài. Ulbar tạo ra một thứ âm thanh kì diệu, và được dùng như một dụng cụ âm nhạc trong các nghi lễ tế thần thánh. Nó được xem như một vật hết sức thiêng liêng. Lỗ hổng của Ulbar đôi khi được coi là tử cung của người mẹ vĩ đại, và hình dáng bên ngoài của nó được coi là cơ quan sinh dục nam hay hình thể giống đực của Rắn Cầu Vồng(9). Trong thời Mơ Mộng, Rắn Cầu Vồng tạo ra các hang động, thung lũng, sông ngòi, và ở những nơi mà Tổ Tiên đã để lại quyền năng của mình, một sự sống sẽ bắt đầu khi được Rắn Cầu Vồng chạm đến. Qua thời gian, Rắn Cầu Vồng thay phiên loại trừ và tái tạo sự sống trên toàn thế giới. Điều đáng lưu ý là thuật ngữ “Thời Mơ Mộng” đối với thổ dân là nền tảng sự sáng tạo và hiện hữu của họ. Tinh thần tối thượng không phải là Thiên Đường của đạo Kitô hay những quy luật của các nhà khoa học mà là sự tiếp giáp tự nhiên với trạng thái ngủ bình thường. Mơ là trạng thái siêu nghiệm tối thượng lí giải được những khía cạnh của thế giới vật chất. Dường như giấc ngủ và giấc mơ là để đạt đến trạng thái thức tỉnh. “Trong ngữ nghĩa đối lập với thời Mơ Mộng hay tjukurrtjana, là từ yuti có nghĩa là đến với thế giới thực tại, có thể nhận thức được bằng giác quan. Toàn thể vũ trụ và kinh nghiệm của người thổ dân được phân chia căn cứ vào đặc tính trái ngược này: yuti/mulparrpa, sự thật có thể nhận thức được và tjukurrtjana, thời Mơ Mộng. Hai phương thức tư duy đó có giá trị ngang nhau, tuy loại trừ lẫn nhau, đến mức độ khi một người đi săn từ rừng trở về nếu tham gia vào cuộc nói chuyện với một nhóm người, thì lập tức người đó sẽ hỏi rằng họ đang nói về yuti/mulparrpa hay tjukurrtjana”(10). Những khía cạnh trái ngược đó không hề bị coi là tiêu cực, mà trái lại, được nhận thức là sự sáng tạo, giống như sự chuyển động từ thời kì chủ quan nguyên thuỷ sang thế giới khách quan. “Sức mạnh và sự hiện hữu của tjukurrtjana luôn luôn được bộc lộ ra trong mối quan hệ với yuti. Trái đất như một tấm gương hai mặt: bên trong năng lượng tinh tế và cấu trúc tượng trưng của nó, nó hấp thu và phản chiếu tính cách siêu hình của sáng tạo. Sự phản chiếu này, thông qua những hình thức bên ngoài của trái đất, dội lại trong ý thức của nhân loại, tự nhìn ngắm, xem xét và khám phá ra ý nghĩa của chính nó, cùng với cội nguồn và ý nghĩa của thiên nhiên... cảnh quan địa hình của trái dất là một tấm gương mầu nhiệm qua đó nhân loại, thiên nhiên và những tạo vật khác được phản chiếu qua lại trong một chu kì hỗ tương...”(11) .

  Trong các nhóm thổ dân Australia, những từ “tôn giáo” hay “thiêng liêng” có liên quan đến những nghi lễ như maraiin ở phía tây Arnhem Land hay duju ở phía đông-bắc Arnhem Land, darugu hay djudju ở phía đông... Nói cách khác, cho dù là phép thuật hay tôn giáo, mọi hành động có tính chất tượng trưng đều được lưu lại cho đời sau. Những nghi lễ và tín ngưỡng đó đã được chuyển giao khá đầy đủ bằng khẩu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển giao đó chắc chắn không tránh khỏi có sự biến đổi, song không phải vì thế mà niềm tin của họ bị vơi đi.

  Tín ngưỡng của thổ dân Australia có thể được miêu tả như một hình thức phức tạp của vật linh giáo. Các bộ lạc thổ dân nhận những cái cây, con thú hay các vật thể xung quanh mình làm những vật tổ linh thiêng, quan trọng nhất trong số đó là Uluru, tên thổ dân đặt cho vách đá Ayers. Họ tin, Uluru chính là trung tâm của thần linh trên toàn Australia, là nơi mà từ đó vô số các thần linh toả ra tràn ngập khắp đất nước. Những địa điểm linh thiêng như Uluru thường được viện đến để làm tăng thêm sức mạnh của ma thuật Giấc mộng. Một trong những ma thuật linh nghiệm nhất là lời nguyền “chỉ xương”. Với ma thuật này, một nạn nhân xấu số sẽ bị thày mo nguyền đến chết trong một nghi lễ phức tạp. Nạn nhân chỉ có hy vọng thoát chết nếu nhờ được một thầy mo có pháp thuật mạnh hơn đảo ngược lại lời nguyền. Ngày nay, ma thuật “chỉ xương” vẫn còn tồn tại dưới hình thức một bài nguyền có ý nghĩa “kết tội”.

  Các nhóm tôn giáo đa dạng ở Australia không tập trung vào từng khu vực địa lí riêng biệt. Bởi vì, Australia là quốc gia thế tục, không có tôn giáo nào được coi là tôn giáo chính thức của nhà nước, nên tín đồ của mọi tôn giáo đều có quyền tự do tín ngưỡng dưới sự bảo đảm của pháp luật. Nhưng cũng cần nói rằng, hầu như người ta phải dùng đến pháp luật để giải quyết các tranh chấp tôn giáo, đó là vì truyền thống vô tư, thoải mái của người dân Australia còn đậm nét.

Các tôn giáo khác ở Australia

Kitô giáo

Ở Australia, 3/4 dân số coi mình là người theo Kitô giáo, nhưng chỉ có 1/4 là thường xuyên đi lễ nhà thờ. Nhà thờ đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội qua các việc làm từ thiện, tổ chức các cuộc quyên góp hay các chương trình giúp đỡ cộng đồng, thí dụ Dịch vụ Bác sĩ Bay cung cấp các trợ giúp y tế cho các gia đình sống biệt lập nơi những vùng rừng núi ở Queensland của một giáo phái Tin Lành.

  Trong các giáo hội Kitô giáo ở Australia, Anh giáo có tổ chức đầu tiên và giữ vai trò thống trị trong việc hình thành pháp luật cũng như các thể chế chính trị và xã hội ở xứ này. Những người theo Anh giáo cho rằng, tôn giáo không thể tách khỏi đời sống hằng ngày và những người đứng đầu nhà thờ được coi là người phát ngôn về các vấn đề của xã hội.

  Công giáo La Mã lúc đầu do những người di cư Ireland du nhập vào Australia đầu thế kỉ XX. Sau này, những người di cư từ Italia và Châu Á sang đây đã làm gia tăng số lượng tín đồ. Hiện nay, 1/4 người Australia theo Công giáo La Mã. Các chính sách của Giáo hội do Hội đồng các Giám mục quyết định.

  Tín đồ Công giáo La Mã và Anh giáo chiếm 2/3 số người theo Kitô giáo ở Australia. 13% dân số Australia theo các tôn giáo khác, trong đó có các tín đồ Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo.

  Những người theo Do Thái giáo sống khá thoải mái trong việc tuân thủ 613 điều răn vốn hợp thành Luật Do Thái, nhưng họ luôn tuân thủ nghiêm ngặt ba ngày lễ trọng, đó là các ngày lễ Rosh Hashana (Lễ Năm mới), Lễ Passover (Lễ Vượt qua), Lễ Cứu chuộc...

  Người theo Ấn Độ giáo tại Australia chủ yếu đến từ ấn Độ và Đông Phi. ấn Độ giáo xem trọng các nghi lễ, và mỗi giai đoạn trong cuộc đời của một cá nhân đều được đánh dấu bằng một nghi lễ.

  Hồi giáo là tôn giáo phát triển nhanh nhất tại Australia. Hồi giáo được du nhập vào Australia bởi những người chăn dắt lạc đà Afghanistan, những người được các nhà khai phá tiên phong đưa đến Australia cùng với họ. Giống như Do Thái giáo, Hồi giáo ở Australia tương đối mềm dẻo, mặc dù các tín đồ vẫn phải tuân theo các giáo luật, bao gồm phải thường xuyên cầu nguyện và dành một phần thu nhập để làm việc thiện. Luật Hồi giáo không được Nhà nước Australia chính thức thừa nhận.(12)

  Ngày nay, các ngôi chùa của Phật giáo và đền thờ của Hồi giáo đã trở nên một quang cảnh rất quen thuộc ở nhiều nơi trong thành phố Sydney. Chùa Phước Huệ của Việt Nam nằm ở vùng Bonnyrigg. Hiện nay, tại thành phố Sydney, riêng cộng đồng người Triều Tiên có đến 70 giáo điểm (congregations), cộng đồng người Hoa cũng có đến hơn 50 giáo điểm. Có một điều đáng chú ý là chưa từng xảy ra một mâu thuẫn lớn nào giữa tín đồ các tôn giáo ở đây, ngược lại, họ có nhiều quan điểm trùng hợp, cùng nhau hợp tác làm những công việc nhân đạo.

  Vùng Fairfield tại thành phố Sydney, có gần 200 thứ ngôn ngữ, gần 200 sắc tộc với gần 200 nền văn hoá khác nhau chung sống. Một mặt, họ vẫn sống và gìn giữ nền văn hoá cổ truyền, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng của mình, mặt khác, họ cùng hoà nhập vào những phong tục tập quán đã có sẵn ở đây, cùng tuân theo những luật lệ xã hội đã quy định, cùng nói một ngôn ngữ chung, ngôn ngữ quốc gia, là tiếng Anh ở các công sở, trường học. Trong một bài nói chuyện về vấn đề đa văn hoá, đa dân tộc, đa tôn giáo ở Australia, Thủ tướng Bob Hawke đã nói: “Tôi thực sự nhìn thấy những gương mặt của đất nước Australia chung quanh đây. Họ đã đến từ các châu lục, từ các chủng tộc, các tôn giáo, các nền văn hoá, ngôn ngữ và xã hội khác nhau trên thế giới. Tất cả cũng như từng cá nhân, họ phải là những gương mặt của đất nước Australia”(13)./.

  Nguồn : Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo

_____________________________

CHÚ THÍCH:

1. Janis Wilton and Richard Bonworth. Old Worlds and Now Australia. Penguin, Ringwood 1984, p.17.

2. Jock Collin. Migrant Hands in a Distant Land. Reading 6. In Gillian Whitlock, Images of Australia, University of Queensland Press, Queensland, p.115.

3.  Ibid, p. 115.

4.  Ibid, p.117.

5. Australia in Brief.  2001, p 66.

6. Berndt R.M & Berndt C.H. The World of the first Australians. Aboriginal Studies Press. Canberra, Australia 1992, p. 229.

7. Lawlor R. Voices of the awakening in the Aboriginal Dreamtime Inner Traditions. International Ltd Vermon, USA 1991, p. 279.

8. Cowan, J. Mysteries of the Dreaming, The Spiritual Life of Australian Aborigines. Unity Press, Lindfield Australia 1992, p. 2.

9. Ibid, p. 119.

10. Ibid, p. 226.

11. Ibid, p. 270.

12. Đối thoại với các nền văn hoá,  Australia. Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh 2002, tr. 87.

13. Office of Multicultural Affairs. Multicultural Policies and Program. May 1990, p. 44.

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Nguyễn Thị Tuyến. Đời sống của tộc người Surma ở Ethiopia

  • Diane Moon. Nghệ thuật dệt sợi của thổ dân Australia

  • Lê Bích Ngọc. Phong tục tập quán ở một số nước châu Phi

  • Đặng Ngọc Khoa. Solomon trong mắt một người Việt thẻ xanh

  • Vũ Tuyết Loan. Văn hóa dân gian thổ dân Australia

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 492
  • Tổng :
  • 3 7 7 2 5 4 4 1
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

Văn hóa châu Phi và châu Úc