LỜI GIỚI THIỆU
Nếu như các công trình xuất bản vào những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ trước thường giới thiệu chung nhất về tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam thì những chuyên khảo gần đây nghiên cứu sâu nghi lễ hầu đồng hay sắc thái địa phương của tín ngưỡng này. Công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Bốn về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa thuộc loại này.
Ngoài phần kết luận và phụ lục, nội dung sách được chia thành năm chương:
Chương 1: Dẫn luận
Chương 2: Vùng đất, con người, lịch sử và văn hóa Khánh Hòa
Chương 3: Các dạng thức thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa
Chương 4: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa
Chương 5: Tiếp biến văn hóa và giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa
Bằng tư liệu thực địa, tác giả đã phác thảo, mô tả sâu các thực hành và đặc biệt trình bày sâu tiếp biến văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa. Theo đó, tiếp biến văn hóa được khảo cứu đa chiều: giữa văn hóa Chăm và văn hóa Ấn Độ, giữa văn hóa Việt và văn hóa Hoa và quan trọng hơn là giữa văn hóa Chăm và văn hóa Việt. Khung khảo cứu công trình cả lịch sử và hiện đại qua các chiều cạnh như thần điện, truyền thuyết, tên gọi, tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ, lễ hội. Tác giả công trình đã có những đánh giá về các giá trị và các xu hướng hội nhập tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa trên các phương diện giá trị ứng xử với môi trường, giá trị tâm linh, giá trị sáng tạo và bảo tồn văn hóa nghệ thuật, giá trị gắn kết cộng đồng và giá trị phát triển du lịch văn hóa.
Nhìn tổng quát, công trình này đã lấp được một khoảng trống hiểu biết trên bản đồ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở cực Nam Trung Bộ. Trên tinh thần đó, tôi đánh giá cao giá trị của công trình và rất vui mừng được giới thiệu với bạn đọc công trình của TS. Nguyễn Văn Bốn.
GS.TS. NGÔ ĐỨC THỊNH
LỜI NÓI ĐẦU
Ngày 1 tháng 12 năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt nói chung được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cho thấy vai trò và giá trị của nó không chỉ đối với nước ta mà cả nhân loại. Lịch sử hình thành, phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã nảy sinh, tích hợp và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Theo thời gian, tín ngưỡng này đã theo chân người Việt lan tỏa khắp mọi vùng miền trong nước và gần đây được mang ra cả nước ngoài.
Điều thú vị là, đi đến bất cứ vùng miền nào, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt luôn có xu thế hòa nhập, hỗn dung với các tín ngưỡng bản địa để phù hợp với điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử - xã hội của chính họ ở nơi ấy. Và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa là một trường hợp điển hình theo quy luật đó. Từ giữa thế kỷ XVII, người Việt theo bước chân của chúa Nguyễn đến khai hoang mở cõi vùng đất Khánh Hòa. Đồng thời khi di cư, người Việt đã mang theo những truyền thống văn hóa của mình như phương thức canh tác nông nghiệp lúa nước, lễ hội, ẩm thực, tín ngưỡng, tôn giáo... vào vùng đất này. Trong đó, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa còn là một hình thức đặc biệt phản ánh quá trình tiếp biến văn hóa Việt - Chăm. Bởi vì, giữa người Việt và người Chăm có điều kiện tự nhiên và phương thức sản xuất tương đồng, đó là canh tác nông nghiệp lúa nước, họ cùng có quan niệm vạn vật hữu linh, tín ngưỡng đa thần, đặc biệt là cùng có tục thờ Mẫu. Tuy nhiên, ở đây, đặc tính cơ bản nhất về tình thương của Mẫu, về tính thiêng của tín ngưỡng này dường như còn được nâng cao hơn. Bênh cạnh đó, quá trình cộng cư, người Việt đã dung hợp tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm mà vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của mình, nhất là trong việc thực hành tín ngưỡng này. Chính vì vậy, bức tranh tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa vừa có màu sắc cội nguồn, vừa có sự hỗn dung, biến đổi để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của họ trên vùng đất mới. Do đó, nghiên cứu một hiện tượng văn hóa được khuếch tán theo bước chân di dân, nhằm nhận thức vai trò của nó trong đời sống tâm linh của người Việt ở nơi đây là một việc làm lý thú và là động lực cho chúng tôi thực hiện công trình này.
Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa nói riêng đã đang từng ngày biến đổi theo những nhu cầu khác nhau của đời sống xã hội đặt trong bối cảnh kinh tế và chính trị. Chính vì thế, có một khảo cứu cập nhật và chuyên sâu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa trong bức tranh chung của tín ngưỡng ở Việt Nam là cần thiết. Công trình luận bàn về sự tiếp biến văn hóa Việt - Chăm qua tín ngưỡng này, đồng thời nhận diện những giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa được đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương hiện nay.
Công trình được tiếp cận từ góc độ văn hóa học, là lĩnh vực nghiên cứu, tiếp cận mang tính liên ngành/đa ngành nhằm khám phá sâu hơn về con người và những thực hành văn hóa do chính con người sáng tạo ra. Nói cách khác, văn hóa học nghiên cứu văn hóa với tư cách là một hiện tượng xã hội mang tính tổng thể, vì thế nó cần phải được xem xét cùng một lúc trên nhiều phương diện về một chủ đề và bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Theo đó, công trình đã ứng dụng lý thuyết, phương pháp, kết quả nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn khác như dân tộc học/nhân học, tâm lý học, tôn giáo học, sử học, xã hội học, văn hóa dân gian… Trong đó, lý thuyết của nhân học, phương pháp điền dã dân tộc học, phương pháp quan sát tham dự và phương pháp phỏng vấn sâu là nền tảng cho công trình này.
Thực hiện chuyên khảo này, chúng tôi đã khảo sát 73 thần điện nhằm thu thập thông tin về sự hình thành, phát triển và thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa. Bên cạnh đó, chúng tôi còn khảo sát nhiều thần điện, quan sát tham dự thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đó là thành phố Hà Nội là điện thờ Mẫu trong chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ (Tây Hồ), điện thờ Mẫu trong khuôn viên đình đền Đông Thiên (Hoàng Mai), điện thờ Mẫu trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Đống Đa); tỉnh Bắc Ninh là thần điện Mẫu trong chùa Phật Tích (Tiên Du); tỉnh Nam Định là Phủ Giày (Vụ Bản); tỉnh Hải Dương là đền Sinh, đền Hóa, chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc (Chí Linh); tỉnh Yên Bái là đền Đông Cuông (Văn Yên); tỉnh Thanh Hóa là đền Khe Rồng, đền Phủ Sung (Như Thanh), thần điện Mẫu trong khuôn viên đền Độc Cước (Sầm Sơn); tỉnh Nghệ An là đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên); tỉnh Thừa Thiên Huế là điện Hòn Chén (Hương Trà); tỉnh Phú Yên là tháp Nhạn; tỉnh Ninh Thuận là đền Pô Inư Nưgar (Ninh Phước); tỉnh Bình Thuận là Thiên Y cổ miếu (Bắc Bình)... Việc khảo sát trên cho chúng tôi nhiều thông tin và có cơ sở khoa học khi so sánh đối chiếu về thần điện cũng như thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa so với những vùng văn hóa trên. Hơn thế nữa, chúng tôi đã nhiều năm được quan sát tham dự thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa như ngày sóc, ngày vọng hàng tháng, Tết Nguyên đán, lễ hội tháp Bà, lễ hội am Chúa... Thêm vào đó, chúng tôi nhiều lần được quan sát tham dự thực hành nghi lễ hầu bóng Tam phủ, Tứ phủ Bắc và Tứ phủ Huế/Tiên Thiên như lễ khai Xuân, tiệc Mẫu Liễu Hạnh, tiệc Quan Đệ Ngũ, tiệc Quan Đệ Tam Thoải phủ, tiệc Ông Hoàng Bơ, tiệc Cô Bơ Thoải, tiệc Đức Thánh Trần, tiệc Mẫu Cửu Trùng, tiệc Mẫu Sòng Sơn… Thông qua những buổi được quan sát tham dự trên, chúng tôi được xem như một thành viên của cộng đồng, cho nên đã thu thập được nhiều thông tin thú vị về thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tại nơi đây. Từ câu chuyện của những người trong cuộc cho chúng tôi hiểu thêm về các thực hành văn hóa của họ.
Và hoàn thiện công trình này, chúng tôi chân cảm ơn các nhà khoa học đã nhiệt tình đóng góp nhiều ý tưởng hay như GS.TS. Ngô Đức Thịnh, GS.TS. Lê Hồng Lý, PGS.TS. Trần Lâm Biền, PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền, PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương, PGS.TS. Trần Thị An, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, PGS.TS. Phạm Lan Oanh và TS. Đỗ Lan Phương. Bên cạnh đó là Hội bảo tồn Di sản văn hóa và Du lịch tâm linh tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, các bà đồng, ông đồng, thủ nhang, đồng đền, cung văn, hầu dâng, cộng đồng không chỉ tạo điều kiện, giúp đỡ, mà họ còn chia sẻ nhiều thông tin và tư liệu quý cho chúng tôi.
Mặc dù, chúng tôi đã cố gắng trong quá trình điền dã, quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, nghiên cứu, phân tích và tổng hợp các nguồn tư liệu nhưng chắc chắn cuốn sách không tránh được những sai sót và khiếm khuyết. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến chỉ giáo của quý độc giả để công trình được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Xin trân trọng cảm ơn.
Tháng 12 năm 2018
TS. NGUYỄN VĂN BỐN
Mục lục
Lời giới thiệu 7
Lời nói đầu 9
Dẫn luận
I. Tín ngưỡng 13
II. tôn giáo 20
III. Vùng văn hóa 24
IV. Giá trị văn hóa 26
V. Tiếp biến văn hóa 32
VI. Văn hóa tín ngưỡng 36
VII. Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu 39
Chương II: Vùng đất, con người, lịch sử và văn hóa Khánh Hòa
I. Vùng đất, con người và lịch sử 43
1. Vùng đất 43
2. Con người 47
3. Lịch sử 51
II. Văn hóa 57
1. Tín ngưỡng 58
2. Tôn giáo 67
3. Di tích 74
Chương III: Các dạng thức thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa
I. Nữ thần, Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ 87
1. Ngũ hành thần nữ 87
2. Thiên Y A Na Thánh Mẫu 94
3. Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ 97
4. Phật Địa Mẫu Diêu Trì 98
5. Thánh Mẫu Đệ Bát Tiên Nương 101
6. Mẫu Tam phủ, Tứ phủ 102
II. Thần điện Mẫu Tam phủ, Tứ phủ tiêu biểu 117
1. Đền Thánh Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên 117
2. Đền Sòng Sơn 122
3. Điện Định Phước 127
4. Bảo Hà Linh từ 134
Chương IV: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa
I. Nguyên tắc chung và nghi lễ hầu đồng Tứ phủ Bắc 142
1. Nguyên tắc chung 143
2. Nghi lễ hầu đồng Tứ phủ Bắc 153
II. Nghi thức hầu đồng Tứ phủ Huế 168
1. Hầu cá nhân 168
2. Hầu tập thể 175
III. Hát chầu văn 180
IV. Lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa 186
1. Lễ hội am Chúa 187
2. Lễ hội tháp Bà 196
Chương V: Tiếp biến văn hóa và giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa
I. Tiếp biến văn hóa Chămpa - Ấn Độ 218
1. Bối cảnh lịch sử 218
2. Nữ thần Pô Inư Nưgar 222
II. Tiếp biến văn hóa Việt - Chăm trong lịch sử 227
III. Tiếp biến văn hóa Việt - Chăm qua tín ngưỡng Thiên Y A Na 234
1. Tiếp biến qua thần điện 235
2. Tiếp biến qua truyền thuyết và tên gọi 250
3. Tiếp biến qua tín ngưỡng, tôn giáo 256
4. Tiếp biến qua lễ hội 264
IV. Tiếp biến văn hóa Việt - Hoa 277
V. Giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa 284
1. Giá trị ứng xử với môi trường tự nhiên 285
2. Giá trị tâm linh 290
3. Giá trị sáng tạo và bảo tồn văn hóa nghệ thuật 301
4. Giá trị gắn kết cộng đồng 309
5. Giá trị phát triển du lịch văn hóa 316
Thay lời kết: Một cái nhìn tổng quan 323
Tài liệu tham khảo 329
Phụ lục 344