MỤC LỤC
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN TÀI LIỆU
6. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Văn hóa và di sản văn hóa
1.1.2. Đặc trưng – Chức năng và phân loại
1.1.3. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
1.2. Dinh Độc Lập trong hệ tọa độ văn hóa
CHƯƠNG 2: GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA DINH ĐỘC LẬP
2.2. Giá trị văn hóa tinh thần
2.2.1. Chứng nhân của thời kỳ Pháp xâm chiếm Việt Nam và các nước Đông dương (1868 – 1954)
2.2.3. Chứng nhân của quá trình hòa bình, thống nhất và xây dựng đất nước Việt Nam (1975 – nay)
CHƯƠNG 3: DINH ĐỘC LẬP TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA HIỆN NAY
3.1. Dinh Độc Lập như một trung tâm văn hóa
3.2. Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Dinh Độc Lập
4. Những công trình của tác giả đã công bố có liên quan đến đề tài
1. Hiến chương Quốc tế về Bảo tồn và Trùng tu Di tích và Di chỉ (1964)
MỘT SỐ PHÒNG CHÍNH TRONG DINH ĐỘC LẬP
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA DINH ĐỘC LẬP
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ
1. Lý do chọn đề tài
Việc nghiên cứu, tìm hiểu và khám phá về giá trị văn hóa của di sản là một phần không thể thiếu trong xu hướng hiện nay. Do đó chúng tôi đã tìm đến Dinh Độc Lập, nơi từng là thủ phủ của chính quyền Sài Gòn, là di tích chiến thắng của quân và dân Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy: có khá nhiều bài viết liên quan đến Dinh Độc Lập, song các bài viết chỉ mang tính thời sự hoặc đề cập đến một khía cạnh nào đó nên rất ít thông tin, các công trình nghiên cứu cũng chỉ dừng lại ở từng lĩnh vực, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ về Dinh Độc Lập.
Vì thế, chúng tôi chọn đề tài: “Dinh Độc Lập từ góc nhìn văn hóa” làm luận văn thạc sĩ ngành văn hóa học.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Tìm hiểu một số khái niệm cơ bản làm cơ sở nghiên cứu về Dinh Độc Lập.
Xác định giá trị văn hóa của Dinh Độc Lập
Phân tích vai trò, vị trí của Dinh Độc Lập trong đời sống văn hóa đô thị.
3. Lịch sử vấn đề
Dinh Độc Lập được nhắc đến nhiều trong các sách, báo, tạp chí, phim ảnh. Có thể chia các tài liệu trên theo các chủ đề sau:
o Những bài giới thiệu khái quát về Dinh Độc Lập
Một số bài giới thiệu về dinh thự cũ – Dinh norodom như bài: “Le Palais du Boulevard Norodom” (Dinh thự trên đại lộ Norodom) của Hida Arnold (1869); bài “La modernisation du Palais du Gouverneur de la Cochinchine” (Sự hiện đại hóa của Dinh Toàn quyền Đông dương); bài “Ce qu’est le Palais Norodom” (Dinh Norodom là gì?) trong tạp chí Indochine.
Một số bài giới thiệu về Dinh Độc Lập như bài: “Dinh Độc Lập” của kiến trúc sư Hoàng Hy (1967); bài “Người kiến trúc sư Việt Nam Ngô Viết Thụ” của V.Serebriaski; “Từ Dinh Thống đốc đến Bảo tàng Cách mạng” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (1995); luận văn Thạc sĩ ngành văn hóa học “Di tích Dinh Thống Nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh” của Chu Anh Khoa (1998); trang web htt://www.dinhdoclap.gov.vn (2004).
Các bài viết này mang tính chất giới thiệu khái quát về Dinh Độc Lập nhưng lại rất ít thông tin.
o Những bài giới thiệu chuyên sâu về kiến trúc Dinh Độc Lập
Có một số bài viết như: “Dinh Độc Lập như một công trình kiến trúc tổng hợp” của Hữu Bình (1968); cuốn “Saigon kiến trúc Architectures 1698 – 1998” do Lê Quang Ninh và Stéphane Dovert đồng biên soạn đã giành một trang giới thiệu về Hội trường Thống Nhất (1998); tập sách “Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam” của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái có nhắc đến kiến trúc Dinh Độc Lập (2000); luận văn Thạc sĩ ngành kiến trúc của Trần Thị Thu Hằng với đề tài “Tích hợp văn hóa Đông – Tây trong kiến trúc của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ” (2003); tạp chí Nhà đẹp có một số hình ảnh về không gian kiến trúc Dinh Độc Lập dưới nhan đề “Nét độc đáo kiến trúc Dinh Độc Lập” (2005); phim “Dinh Độc Lập kiến trúc và lịch sử ”do nhóm làm phim Đài truyền hình Việt Nam thực hiện (2006).
Nhìn chung, các bài giới thiệu về kiến trúc Dinh Độc Lập đều đã khái quát về công trình và đề cập đến các chiết tự chữ Hán mà kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sử dụng dùng để diễn đạt về ý nghĩa của công trình.
o Những bài giới thiệu về Dinh Độc Lập như một chứng nhân lịch sử
Dinh Độc Lập xuất hiện khá nhiều trên sách báo, tạp chí và hồi ký:
Tạp chí Thế giới tự do số 14/1961, có bài “Buổi dạ tiệc linh đình tại Phủ Tổng thống”; Tờ Tiếng chuông ngày 28/2/1962, có bài viết “Hai phi cơ ném bom lật đổ Tổng thống ngay tại Dinh Độc Lập”; “Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm” của Nguyệt Đam và Thần Phong (1964); báo Tiếng nói dân tộc số 162 ngày 27/4/1969 với nhan đề “Toán đặc công Việt cộng đánh phá Dinh Độc Lập hồi Tết Mậu thân”. cuốn “Biệt động Sài Gòn” của Nguyễn Đức Hùng (1999) “Biệt động Sài Gòn chuyện bây giờ mới kể” của Mã Thiện Đồng (2004) có bài viết về trận đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu thân 1968.
Năm 1975, Dinh Độc Lập trở thành điểm nóng được nhắc rất nhiều qua các bài viết như: bài “Trong Dinh Độc Lập sau giờ ngụy quyền sụp đổ” của Trần Thế Vinh; Bài của Trần Lê “Sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập hai vấn đề cần được làm rõ”…
Một số sách đề cập đến một vài sự kiện ở Dinh Độc Lập như: cuốn “Việt Nam những sự kiện lịch sử; “Tiến vào Dinh Độc Lập” của Viện Lịch sử quân đội xuất bản Năm 2000, bộ phim “Dinh Thống Nhất chứng nhân lịch sử” đã điểm lại các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.
Trong ký ức của nhiều nhân vật lịch sử, Dinh Độc Lập xuất hiện khá nhiều trong các hồi ký với những câu chuyện tản mạn, như: Hồi ký của Edward G. Lansdale “Tôi làm quân sư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm” (1972); tập hồi ký chiến tranh của Michael Maclear “Vietnam: The Ten Thousand Day War” (1984); cuốn “Việt Nam nhân chứng” của Trần Văn Đôn (1989); “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” của Nguyễn Tiến Hưng - Jerrold L.Schecter; “Ông cố vấn” của Hữu Mai (2000); “Thiệu – Kỳ một thời hãnh tiến một thời suy vong” của Lý Nhân; “Đằng sau Dinh Độc Lập” của Nguyễn Duy Xi (2005); Tập hồi ký “Dưới bóng cờ” của Lý Quý Chung.
o Những bài giới thiệu về công tác bảo tồn và phát huy tác dụng di tích Dinh Độc Lập
Năm 2003, tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Dinh Độc Lập” nhận được 20 bài tham luận và nhiều ý kiến đóng góp về công tác bảo tồn, phát huy tác dụng giá trị của Dinh Độc Lập..
Năm 2006, Hội sử học thành phố Hồ Chí Minh xuất bản cuốn sách Nam bộ Đất và Người, trong đó có bài “Dinh Độc Lập – Di tích lịch sử đặc biệt quan trọng ở thành phố Hồ Chí Minh” của Trịnh Thị Hòa.
Năm 2007, hội thảo “Dinh Độc Lập - Những vấn đề lịch sử, văn hóa” được tiến hành với mục đích làm sáng tỏ những giá trị của Dinh Độc Lập, từ đó góp thêm tư liệu và các căn cứ khoa học để giúp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích ngày càng tốt hơn.
Các bài tham luận trong các cuộc tọa đàm, hội thảo là nguồn tư liệu quí giá nhất nhưng cũng chỉ nghiên cứu ở một khía cạnh nào đó.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài: tìm hiểu giá trị của di sản văn hóa Dinh Độc Lập, trong đó bao gồm cả giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Nghiên cứu về vai trò, vị trí của Dinh Độc Lập qua từng giai đoạn lịch sử, đồng thời khảo sát các mặt hoạt động nhằm định hướng phát triển Dinh Độc Lập trong tương lai.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài:
Về không gian: được giới hạn trong phạm vi Dinh Độc Lập và so sánh với những địa danh có chức năng tương tự ở trong và ngoài nước.
Về thời gian: tìm hiểu về Dinh Độc Lập kể từ khi được hình thành cho đến nay.
Về chủ thể: nghiên cứu bản thân Dinh Độc Lập và mối quan hệ giữa Dinh Độc Lập với chủ nhân (người sử dụng) Dinh Độc Lập qua các thời kỳ khác nhau.
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
Phương pháp hệ thống và liên ngành để làm nổi bật các yếu tố văn hóa của Dinh Độc Lập.
Phương pháp so sánh nhằm tìm ra mối quan hệ hay những nét tương đồng, khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau.
Phương pháp điều tra xã hội học để tìm hiểu dư luận, từ đó giúp Dinh Độc Lập tìm ra những bước đi thích hợp cho mình.
Phương pháp khảo sát thực địa nhằm tìm hiểu các hoạt động của Dinh Độc Lập với tư cách một trung tâm văn hóa. Qua đó đánh giá mức độ ảnh hưởng và đưa ra những giải pháp thích hợp cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị Dinh Độc Lập.
Nguồn tư liệu: bao gồm các tác phẩm nghiên cứu có liên quan trong và ngoài nước, tài liệu về văn hóa, di sản văn hóa, văn hóa học, sử học, bảo tàng học, nhân học văn hóa, các sách về kiến trúc, mỹ thuật, giáo dục, du lịch, tổ chức sự kiện, tài liệu trên mạng internet bằng các thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
6.1. Về ý nghĩa khoa học: đặt thêm nền tảng xây dựng cơ sở khoa học cho vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung. Đồng thời góp phần làm sáng tỏ những giá trị của Dinh Độc Lập từ góc nhìn văn hóa.
6.2. Về ý nghĩa thực tiễn: là nguồn tư liệu cho các nhà nghiên cứu lý luận có thêm cơ sở khoa học để đánh giá, xếp hạng Dinh Độc Lập, cung cấp thông tin cho các nhà nghiên cứu khi xác định các yếu tố văn hóa của Dinh Độc Lập và góp phần giải quyết những điều bất cập bằng những đề xuất có tính giải pháp.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn trình bày thành 3 chương
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn. Nghiên cứu và làm rõ một số thuật ngữ sử dụng trong luận văn đồng thời giới thiệu khái quát về Dinh Độc Lập trong mối quan hệ với không gian, thời gian và chủ thể văn hóa.
Chương 2. Giá trị văn hóa của Dinh Độc Lập. Nhằm tìm hiểu về Dinh Độc Lập ở trạng thái tĩnh với tư cách một di sản văn hóa, qua việc nghiên cứu các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần.
Chương 3. Dinh Độc Lập trong đời sống văn hóa hiện nay. Tìm hiểu về Dinh Độc Lập ở trạng thái động, qua đó đưa ra một vài giải pháp nhằm góp phần bảo tồn, phát huy cc giá trị vốn có của Dinh Độc Lập trong tình hình hiện nay.
NỘI DUNG CƠ BẢN
CHƯƠNG 1
Để nghiên cứu Dinh Độc Lập từ góc nhìn văn hóa, tác giả luận văn đã vận dụng khái niệm văn hóa của Trần Ngọc Thêm làm cơ sở lý luận phục vụ cho việc nghiên cứu di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Dinh Độc Lập nói riêng.
Định hình Dinh Độc Lập trong không gian văn hóa của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay và qua những dấu tích trên vùng đất Dinh Độc Lập tồn tại cho biết đây là một mảnh đất đắc địa vào bậc nhất thành phố, từng là trung tâm chính trị của vùng đất phía Nam tổ quốc cũng là mảnh đất “nghiệt ngã” với chủ nhân của chúng. Trên mảnh đất vàng này từng tồn tại Dinh Norodom do người Pháp xây dựng, là nơi ở, nơi làm việc của nhiều đời Toàn quyền Pháp tại Đông Dương. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Dinh Độc Lập được khánh thành trên nền cũ của Dinh Norodom, là cơ quan đầu não của chế độ Việt Nam Cộng hòa - nơi điều hành bộ máy chiến tranh của chính quyền Sài Gòn dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Ngày nay Dinh Độc Lập được công nhận là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là cơ quan trực thuộc Văn phòng Chính phủ.
CHƯƠNG 2
Tập trung nghiên cứu về các giá trị của Dinh Độc Lập với tư cách một di sản văn hóa. Qua phần trình bày về giá trị văn hóa vật chất của Dinh Độc Lập, chúng ta nhận thấy so với nhiều di sản văn hóa trên thế giới thì Dinh Độc Lập được coi là một dinh thự “trẻ”, có lối kiến trúc hiện đại trên nền tảng các yếu tố truyền thống, hay nói một cách khác kiến trúc Dinh Độc Lập có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, là sự cộng sinh văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Kiến trúc nơi đây không hoàn toàn mang phong cách cổ truyền như điện Élysée là phong cách kiến trúc cổ điển của Pháp, Hoàng cung Campuchia với lối kiến trúc kiểu chùa tháp đặc trưng của người Campuchia hay điện Kremli là một dạng thành quách kiểu Nga. Về điêu khắc và hội họa trong Dinh Độc Lập được coi như một sản phẩm độc nhất vô nhị, dùng để trang trí và nhấn mạnh nội dung chính yếu cho từng chủ đề, tạo nên những dấu ấn riêng. Các di vật, cổ vật lưu giữ trong Dinh Độc Lập có giá trị về vật chất không cao, số lượng không nhiều như hàng ngàn di vật được làm bằng ngọc bích, vàng, bạc và những vật liệu quí giá khác như của Buckingham Palace hay của White House.. Những di sản văn hóa vật thể ở đây tuy không hoành tráng, đồ sộ nhưng chúng đều có những giá trị riêng là vật chứng tiêu biểu của từng giai đoạn lịch sử, gắn liền với các biến cố chính trị diễn ra tại Dinh Độc Lập.
Giá trị đặc biệt của di sản văn hóa Dinh Độc Lập được thể hiện qua giá trị về mặt tinh thần, nó được coi là nhân chứng của lịch sử. Từ khi hình thành cho đến nay, Dinh Độc Lập từng chứng kiến những cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc: khởi đầu là chứng kiến sự cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam và các nước Đông Dương, dưới chiêu bài “khai hóa văn minh” từ đây những chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột nhân dân ba nước được thực thi. Cũng chính nơi đây, phải thừa nhận thất bại và tuyên bố trao trả nơi thừa hành quyền cho người Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo, Dinh Độc Lập lại một lần nữa chứng kiến sự can thiệp của người nước ngoài vào Việt Nam, lần này là một siêu cường quốc - đế quốc Mỹ. Những chính sách của Mỹ đã đẩy cuộc chiến tranh ở Việt Nam lên mức cao nhất và Dinh Độc Lập là nơi tiếp nhận những chính sách đó. Cuối cùng thì người Mỹ cũng phải cuốn cờ về nước, chế độ Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng lên ở miền Nam Việt Nam cũng sụp đổ tan tành chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 4/1975, ba đời Tổng thống đã ra đi vĩnh viễn. Dinh Độc Lập chứng kiến một thời khắc trọng đại, cuộc chuyển giao chính quyền đi vào lịch sử, buộc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền Cách mạng. Dinh Độc Lập trở thành “một di tích lịch sử mang biểu tượng cho quá trình đoàn kết dân tộc. Từ đây lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới, điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà cả các dân tộc khác trên thế giới, đặc biệt đối với nhân dân các nước đang còn bị chiến tranh tàn phá.
CHƯƠNG 3
Là cơ sở thực tiễn quan trọng của luận văn, chương này tập trung tìm hiểu về các mặt hoạt động và phân tích những ảnh hưởng của Dinh Độc Lập trong đời sống văn hóa hiện nay.
Công tác giáo dục truyền thống ở Dinh Độc Lập mang tính đặc thù riêng, do vậy ở đây không chỉ giáo dục tinh thần yêu nước, sáng tạo trong lao động mà còn giúp mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, đánh giá sự việc một cách khách quan, khoa học hơn.
Dinh Độc Lập đã và đang thực hiện tốt chức năng giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam và là cầu nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, Trong hoạt động du lịch văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập giữ một vai trò quan trọng, là nơi gặp gỡ của hầu hết các đoàn tham quan. Hiện nay Dinh Độc Lập đã tự khẳng định mình với đông đảo du khách và đang phấn đấu trở thành một “trọng điểm” du lịch (main destination) thu hút mọi đối tượng khách để góp phần vào chiến lược tạo môi trường giao lưu, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập ngày càng rộng rãi. Tuy nhiên hoạt động này ở Dinh Độc Lập vẫn còn nhiều khoảng trống, cần có sự đầu tư hơn nữa về mọi mặt.
Hoạt động tổ chức sự kiện ở Dinh Độc Lập trong những năm qua được đông đảo người dân biết đến do có đầy đủ các cấp độ như: tiếp đón Nguyên thủ quốc gia; tổ chức các sự kiện văn hóa gắn liền với đặc điểm văn hóa của dân tộc; tổ chức những sự kiện thu hút nhiều du khách và đem về lợi ích về kinh tế chủ yếu được thực hiện dưới dạng cho thuê mặt bằng; tổ chức những sự kiện vì mục đích xã hội.
Với tiềm năng, cơ hội và những thách thức trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, đã ảnh hưởng đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Dinh Độc Lập, đặc biệt trong giai đoạn trên 20 năm trở lại đây. Một phần chương này là trình bày thực trạng và đề ra 9 giải phát lớn nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dinh Độc Lập.
KẾT LUẬN
Xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thông qua loại hình di sản văn hóa, luận văn đã nghiên cứu Dinh Độc Lập từ góc nhìn văn hóa. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
1. Trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, Dinh Độc Lập góp mặt như một nhân chứng của thời đại, là một trong những di sản văn hóa quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt. Hơn 140 năm trôi qua, đặc điểm lịch sử - xã hội của mỗi giai đoạn có tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển của Dinh Độc Lập, nó gắn liền với ba giai đoạn lịch sử của đất nước: giai đoạn từ 1868 – 1954, trên mảnh đất này đã chứng kiến sự ra đời của Dinh Norodom là biểu hiện sức mạnh quyền lực của người Pháp ở Việt Nam và các nước Đông Dương. Thực dân Pháp thất bại ở Việt Nam và Đông Dương buộc phải trao trả quyền tự chủ cho nhân dân Việt Nam, Dinh Norodom được đổi tên thành Dinh Độc Lập; giai đoạn từ 1954 – 1975, Dinh Độc Lập chứng kiến từng bước sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, chứng kiến sự thay đổi ngôi vị của các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Trong hơn 20 năm đó, Dinh Độc Lập là cơ quan đầu não của chính quyền tại miền Nam Việt Nam, nơi hoạch định các chính sách chống lại phong trào yêu nước giải phóng dân tộc và cũng là nơi chứng kiến sự thất bại thảm hại của những chính sách đó. Đó là cuộc chuyển giao chính quyền giữa Việt Nam Cộng hòa và Quân giải phóng, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện; giai đoạn từ 1975 – nay, Dinh Độc Lập được chọn là nơi diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc, nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng của Đảng và Nhà nước, nơi diễn ra các hoạt động tổ chức sự kiện với mục đích vì sự tiến bộ của xã hội. Dinh Độc Lập trở thành nơi nuôi dưỡng truyền thống yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, nơi đúc kết tinh thần sáng tạo trong lao động đặc biệt đối với đội ngũ kiến trúc sư, nơi gặp gỡ, giao lưu hoài niệm về quá khứ của nhiều lớp người khác nhau, cũng là nơi để nhân dân thế giới hiểu thêm về cuộc chiến tranh và nỗi khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
2. Việc nghiên cứu giá trị văn hóa của Dinh Độc Lập qua hai hình thức: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần trong tương quan với các di sản văn hóa có chức năng tương tự ở trong nước và trên thế giới giúp chúng ta có cơ sở khoa học để nhận thấy giá trị thực của Dinh Độc Lập. Về phương diện văn hóa vật chất thì sự ra đời của Dinh Độc Lập khởi sắc cho một trào lưu kiến trúc mới, lấy phương tiện vật chất của phương Tây để nói lên tâm hồn của Á Đông. Các tác phẩm hội họa, điêu khắc, các di vật, cổ vật có dáng vẻ hiện đại nhưng nội dung lại mang những giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người về cội nguồn dân tộc. Đó chính là sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, là biểu hiện dung hợp giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Về phương diện văn hóa tinh thần thì Dinh Độc Lập là sự khẳng định khát vọng, là niềm tự hào của người Việt Nam. Và tất cả đều là nhân chứng của lịch sử, từng chứng kiến những cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Điều đó có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn mà không phải di sản văn hóa nào cũng có được. Vì vậy, Dinh Độc Lập không chỉ có ý nghĩa quốc gia mà còn có ý nghĩa quốc tế, nó là dấu tích về sự thất bại của chủ nghĩa thực dân kiểu mới nay thuộc về nhân dân Việt Nam.
3. Qua kết quả nghiên cứu, luận văn góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị trí của Dinh Độc Lập trong đời sống xã hội đối với nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Dinh Độc Lập có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục truyền thống, thông qua hoạt động này đã cung cấp cho khách tham quan những thông tin cần thiết và bằng nhận thức, sự trải nghiệm của mình khách tham quan hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam. Dinh Độc Lập trở thành cầu nối cho tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Cùng với công tác giáo dục, Dinh Độc Lập còn có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu giải trí, hoạt động du lịch văn hóa ở đây không chỉ đơn giản là du lịch để thưởng thức, trải nghiệm văn hóa mà còn thúc đẩy việc phát huy, gìn giữ các giá trị văn hóa. Không giống các di sản văn hóa khác, Dinh Độc Lập có các hoạt động tổ chức sự kiện rất đa dạng và phong phú từ chính việc khai thác lợi thế của mình. Hoạt động này tuy vẫn còn nhiều bất cập nhưng đã để lại trong lòng công chúng những hình ảnh khó phai, Dinh Độc Lập trở thành một “thương hiệu” có một không hai và tương lai sẽ trở thành biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh.
4. Với tư cách là một di sản văn hóa, trong những năm qua hoạt động bảo tồn và phát huy tác dụng di sản văn hóa ở Dinh Độc Lập có những mặt đã làm được, tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Dinh Độc Lập vẫn còn những hạn chế. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Dinh Độc Lập còn rất nhiều việc phải làm đặc biệt là với yêu cầu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập toàn cầu.
5. Để góp phần hạn chế những tồn tại và giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong tình hình hiện nay, luận văn đưa ra một số giải pháp, những giải pháp này được trình bày dưới dạng những đề xuất. Đó là vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp lý một cách đầy đủ, để hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dinh Độc Lập được bảo vệ chính đáng, tránh những điều tiếng làm ảnh hưởng đến “thương hiệu”. Những đề xuất về lĩnh vực chuyên môn là nhằm đảm bảo những bước đi thích hợp, phù hợp với sự phát triển về loại hình của Dinh Độc Lập trong tương quan với các di sản văn hóa khác. Vấn đề then chốt là đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề để đáp ứng kịp thời với yêu cầu phát triển Dinh Độc Lập trong giai đoạn tới.
6. Việc nghiên cứu Dinh Độc Lập một cách toàn diện cũng có thể được xem là cơ sở ban đầu để phát triển luận văn theo hướng chuyên ngành văn hóa học so sánh, lấy Dinh Độc Lập làm một ví dụ cụ thể đối thoại với các di sản văn hóa có chức năng tương để tìm ra những nét tương đồng và khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau. Từ đó đưa hình ảnh Dinh Độc Lập tiếp cận với các di sản văn hóa trong nước, trong khu vực và trên thế giới.