ĐỀ TÀI LUẬN VĂN
TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT
MỤC LỤC
IV. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
V. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
VI. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
Chương 1: TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG VÀ VĂN HOÁ DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT
1.1.1. Nguồn gốc, bản chất, khái niệm triết lý âm dương
1.1.2. Hai quy luật của triết lý âm dương
1.2. Văn hoá dân gian và văn hoá dân gian người Việt
1.2.1. Quan niệm về văn hoá và văn hoá dân gian
1.2.2. Văn hoá dân gian người Việt
Chương 2: TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG TRONG VĂN HÓA NHẬN THỨC
2.1. Triết lý âm dương trong nhận thức về vũ trụ
2.1.1 Triết lý âm dương trong nhận thức về nguồn gốc, bản chất của
vũ trụ
2.1.2. Triết lý âm dương trong nhận thức về không gian vũ trụ
2.1.3. Triết lý âm dương trong nhận thức về thời gian vũ trụ
2.2. Triết lý âm dương trong nhận thức về con người
2.2.1. Nhận thức về con người tự nhiên
2.2.2. Nhận thức về con người xã hội
Chương 3: TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG TRONG VĂN HOÁ TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG
3.1. Triết lý âm dương trong văn hoá tổ chức đời sống tập thể
3.1.1. Triết lý âm dương trong tổ chức gia đình (Nhà)
3.1.2. Triết lý âm dương trong tổ chức làng
3.1.3. Triết lý âm dương trong tổ chức quốc gia (Nước)
3.2. Triết lý âm dương trong văn hoá tổ chức đời sống cá nhân
3.2.1. Triết lý âm dương trong tín ngưỡng dân gian
3.2.2. Triết lý âm dương trong phong tục dân gian
3.2.3. Triết lý âm dương trong nghệ thuật dân gian
Chương 4: TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG TRONG ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI
4.1. Triết lý âm dương trong ứng xử với môi trường tự nhiên
4.1.1. Triết lý âm dương trong tận dụng môi trường tự nhiên: ăn uống,
giữ gìn sức khoẻ
4.1.2. Triết lý âm dương trong ứng phó với môi trường tự nhiên: mặc,
ở
4.2. Triết lý âm dương trong văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
4.2.1. Triết lý âm dương trong tận dụng môi trường xã hội: Tiếp nhận để phát triển
4.2.2. Triết lý âm dương trong đối phó với môi trường xã hội: phản kháng để bảo vệ
PHỤ LỤC
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ
TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT
MỞ ĐẦU
I. Lý do chọn đề tài
Ở Việt Nam, bộ phận văn hoá dân gian chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu nền văn hoá dân tộc và có vai trò rất quan trọng trong lịch sử, nhất là ở việc bồi dưỡng tâm hồn con người, thống nhất cộng đồng. Văn hoá dân gian cũng là nơi bảo lưu những giá trị văn hoá lâu đời của dân tộc. Nhiều giá trị văn hoá dân gian đã trở thành bộ phận của đời sống xã hội hiện đại, trong đó có Triết lý âm dương – một thành tựu đặc sắc của tư duy phương Đông.
Ngay từ khi ra đời, triết lý âm dương đã được người phương Đông nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam, vận dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống: từ nhận thức về vũ trụ đến nhận thức về con người, từ tổ chức đời sống tập thể đến đời sống cá nhân, từ ứng xử với môi trường tự nhiên đến ứng xử với môi trường xã hội. Có thể khẳng định rằng, Triết lý âm dương đã đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống người phương Đông nói chung, và của người Việt nói riêng.
Ngày nay, triết lý âm dương vẫn được nhiều người tìm hiểu, ứng dụng. Người ta không chỉ vận dụng triết lý âm dương vào trong các lĩnh vực của đời sống theo phong tục, mà còn từng bước lý giải và vận dụng nó dựa trên cơ sở khoa học. Vì vậy, nghiên cứu văn hóa dân gian nói chung, triết lý âm dương nói riêng, vừa là sự “trở về cội nguồn”, vừa là cơ sở để hiểu sâu sắc hiện tại, để góp phần xây dựng nền văn hoá nước ta hiện nay.
Với ý nghĩa trên và được sự gợi ý, giúp đỡ của giáo sư hướng dẫn, người viết chọn đề tài Triết lý âm dương trong văn hoá dân gian người Việt để nghiên cứu.
II. Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài Triết lý âm dương trong văn hoá dân gian người Việt, người viết hướng tới giải quyết những vấn đề sau:
Thứ nhất, làm rõ yếu tố triết lý âm dương trong các hiện tượng văn hoá dân gian người Việt.
Thứ hai, làm rõ vai trò của triết lý âm dương trong văn hoá dân gian người Việt.
Thứ ba, ở mức độ nhất định, luận văn nêu lên những ảnh hưởng của triết lý âm dương trong tâm thức và trong đời sống hiện thực của người Việt hiện nay.
III. Lịch sử vấn đề
Đến nay, vấn đề triết lý âm dương trong văn hoá dân gian người Việt đã được nhiều người nghiên cứu, nhất là từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới (1986). Sớm nhất, là những khảo cứu về văn hóa Việt Nam ở những thập kỷ đầu thế kỷ XX của một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Những tác giả và công trình tiêu biểu cho giai đoạn này như: Phan Kế Bính (Việt Nam phong tục – 1915), Pierre Gourou (Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ – 1936), Nguyễn Văn Huyên (Hội Phù Đổng – 1938, Văn minh Việt Nam – 1944), Đào Duy Anh ( Việt Nam văn hóa sử cương - 1938). Ở những công trình trên, các tác giả đã đề cập đến triết lý âm dương trong một số lĩnh vực văn hóa dân gian. Tuy nhiên, do không phải là trọng tâm cần trình bày nên ở những công trình trên, triết lý âm dương mới được các tác giả đề cập đến một cách khái quát hoặc tản mạn.
Tiếp nối những công trình trên, từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay đã có nhiều người nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, và vì vậy, triết lý âm dương trong văn hóa dân gian người Việt cũng được nghiên cứu nhiều hơn. Từ nội dung và phạm vi vấn đề triết lý âm dương được nghiên cứu, có thể chia các công trình thành hai nhóm: 1/ Những công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam mà trong đó có đề cập đến triết lý âm dương; 2/ Những công trình nghiên cứu triết lý âm dương trong văn hóa người Việt.
1/ Ở nhóm thứ nhất, triết lý âm dương không phải là đối tượng chính cần tập trung khảo sát, phân tích mà nó được trình bày chỉ như một yếu tố của hiện tượng văn hóa nào đó. Những công trình ở dạng này khá nhiều, và chúng là nguồn tư liệu phong phú cho việc nghiên cứu về triết lý âm dương. Một số công trình tiêu biểu như: Việt lý tố nguyên (1970) và Nguồn gốc văn hóa Việt Nam (1974) của Kim Định; Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông nam Á (1993) của Đinh Gia Khánh; Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam (2001) của Trần Ngọc Thêm. Ngoài ra, có một số tác giả khi nghiên cứu một hiện tượng hoặc một lĩnh vực văn hóa cụ thể cũng có đề cập đến triết lý âm dương như: Hoàng Đạo Kính, Nguyễn Khắc Tụng trong lĩnh vực kiến trúc; Ngô Đức Thịnh, Đỗ Lai Thúy trong lĩnh vực tín ngưỡng dân gian; Sơn Nam, Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường trong lĩnh vực lễ hội và đình miếu Nam Bộ…
2/ Nhóm thứ hai, đó là những công trình hướng tới việc khảo sát triết lý âm dương trong văn hóa người Việt. Ở nhóm này, các tác giả đã đi vào nghiên cứu triết lý âm dương trong văn hóa người Việt nói chung, hoặc triết lý âm dương trong những hiện tượng hay lĩnh vực văn hóa cụ thể.
- Tiêu biểu cho những công trình nghiên cứu về triết lý âm dương trong văn hóa người Việt nói chung gồm có: Triết lý âm dương và vai trò của nó trong truyền thống văn hóa Việt Nam (1995) của Trần Ngọc Thêm; Học thuyết âm dương ngũ hành (1998) của Lê Văn Sửu; Tìm hiểu và ứng dụng triết lý âm dương (1998) của Nguyễn Đình Phư; Âm dương ngũ hành với đời sống con người (2002) của Lê Văn Quán… Ở những công trình trên, bên cạnh việc trình bày về nguồn gốc, bản chất của triết lý âm dương, vai trò của triết lý âm dương trong văn hóa người Việt nói chung, xuất phát từ mục đích nghiên cứu của mình, mỗi tác giả lại hướng vào những “trọng tâm” nhất định.
- Về triết lý âm dương trong những lĩnh vực văn hóa cụ thể, hiện đã có các công trình nghiên cứu triết lý âm dương trong y dược học, triết lý âm dương trong nghệ thuật, triết lý âm dương trong ẩm thực.
Nghiên cứu về triết lý âm dương trong lĩnh vực y dược học có: Hoàng Tuấn (Học thuyết âm dương và phương dược cổ truyền - 1994); Trần Thị Thu Huyền (Âm dương ngũ hành với y học cổ truyền và đời sống con người - 1999); Ngô Gia Hy (Thử kết hợp Đông Tây y qua dịch lý và thận – 1999)… Nghiên cứu về triết lý âm dương trong lĩnh vực nghệ thuật có: Mịch Quang nghiên cứu về ảnh hưởng của kinh dịch trong nghệ thuật truyền thống, nhất là hát bộ (Kinh dịch với nghệ thuật truyền thống – 1997, Khơi nguồn mỹ học dân tộc – 2004); Trần Văn Khê nghiên cứu về triết lý âm dương trong một số loại nhạc cụ, trong cách diễn xướng của người Việt (Âm và dương trong âm nhạc truyền thống – 2006)… Nghiên cứu về triết lý âm dương trong lĩnh vực ẩm thực có: Phạm Văn Chính (Ăn uống hòa hợp âm dương – 2004). Trần Văn Khê (Người Việt ăn uống thế nào – web)…
Qua phần trình bày khái quát nêu trên có nhể thấy, triết lý âm dương đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, qua đó cũng nhận thấy rằng các tác giả chủ yếu mới chỉ đề cập đến triết lý âm dương một cách khái quát (Nguyễn Văn Huyên, Kim Định, Đinh Gia Khánh...), hoặc trình bày triết lý âm dương trong văn hóa Việt Nam nói chung ( Trần Ngọc Thêm, Lê Văn Sửu, Nguyễn Đình Phư, Lê Văn Quán), hay là triết lý âm dương ở các lĩnh vực văn hoá cụ thể (Trần Thị Thu Huyền, Hoàng Tuấn, Mịch Quang, Trần Văn Khê…) nhưng cũng chưa tập trung vào bộ phận văn hóa dân gian. Có thể nói, hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào đi chuyên sâu vào trình bày triết lý âm dương trong văn hoá dân gian người Việt ở các thành tố của nó, một cách hệ thống.
Thực hiện đề tài nêu trên chính là kế thừa thành tựu của những công trình đã nghiên cứu về lĩnh vực này, đồng thời kết hợp với những nghiên cứu thực tế của bản thân người viết, nhằm góp phần đưa ra cái nhìn hệ thống về triết lý âm dương trong văn hoá dân gian người Việt.
IV. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của đề tài là những biểu hiện của triết lý âm dương trong văn hoá dân gian người Việt, bao gồm: văn hoá nhận thức, văn hoá tổ chức đời sống cộng đồng, văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội.
Như vậy, đề tài này sẽ chỉ khảo sát những hiện tượng văn hoá dân gian do người Việt sáng tạo và những hiện tượng văn hoá của các tộc người khác được người Việt tiếp nhận và dân gian hoá chúng.
V. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
2. Ý nghĩa khoa học
Văn hoá dân gian là nơi bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời của dân tộc, do đó nghiên cứu triết lý âm dương trong văn hoá dân gian người Việt chính là góp phần vào tìm hiểu truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời, việc nghiên cứu này sẽ bổ sung tư liệu cho các công trình nghiên cứu về văn hoá học và văn hoá Việt Nam.
3. Ý nghĩa thực tiễn
Đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong sự nghiệp ấy, di sản văn hoá được xem là “tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá” [ĐCSVN 1998: 63]. Vì vậy, việc làm rõ bản chất của triết lý âm dương và vai trò của nó trong văn hoá dân gian người Việt, không chỉ có ý nghĩa là ứng xử đúng đắn với một giá trị văn hoá quá khứ, vốn từng được xem là vấn đề “nhạy cảm”, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc xác lập những giá trị và chuẩn mực văn hoá ở nước ta hiện nay, góp phần thay đổi cách nhìn, cách đánh giá và ứng xử đối với các di sản văn hoá trong một số lĩnh vực.
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
1. Phương pháp nghiên cứu
Để có thể đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, những phương pháp nghiên cứu sau đây sẽ được sử dụng trong quá trình thực hiện luận văn:
a. Phương pháp luận: Triết lý âm dương là thuộc về nhận thức, thuộc về đời sống tinh thần nên để tìm hiểu về triết lý âm dương trong văn hóa dân gian người Việt, trước hết và cơ bản phải xuất phát từ nền tảng vật chất của cộng đồng người Việt bao gồm điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội, để nghiên cứu. Vì vậy, người viết sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm cơ sở phương pháp luận cho luận văn.
b. Các phương pháp cụ thể:
Thứ nhất, sử dụng phương pháp hệ thống và cấu trúc để sắp xếp những hiện tượng văn hoá dân gian vô cùng đa dạng, phức tạp vào các thành tố cấu thành văn hoá dân gian để nghiên cứu.
Thứ hai, vận dụng phương pháp so sánh loại hình để nghiên cứu cơ sở hình thành và đặc điểm của triết lý âm dương trong văn hoá dân gian người Việt.
Thứ ba, vận dung phương pháp phân tích - tổng hợp để phân tích, khái quát kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học khác về những nội dung có liên quan đến đề tài.
2. Nguồn tư liệu
Tư liệu chủ yếu để viết luận văn là những kết quả nghiên cứu của các ngành văn hoá học, dân tộc học, khảo cổ học, lịch sử, văn học, lịch sử văn hoá Việt Nam, nhất là về văn hoá dân gian người Việt. Một số hiện tượng văn hoá truyền thống và hiện đại được xem là có nhiều khả năng chứa đựng yếu tố triết lý âm dương (lễ tết, lễ hội, cưới hỏi, tang ma, kiến trúc, y dược học cổ truyền…) cũng sẽ được xem là một nguồn tư liệu để khảo sát.
VII. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được trình bày thành 4 chương.
Chương 1: Triết lý âm dương và văn hoá dân gian người Việt. Chương này trình bày những khái niệm cơ bản (triết lý âm dương, văn hoá, văn hoá dân gian), đồng thời cũng trình bày cơ sở lý luận của luận văn.
Từ cách tiếp cận hệ thống cấu trúc, văn hoá được xem là một hệ thống gồm các thành tố cơ bản: văn hoá nhận thức, văn hoá tổ chức cộng đồng, văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Dựa trên việc phân chia các thành tố như trên, từ chương 2 đến chương 4, luận văn trình bày triết lý âm dương trong từng thành tố văn hoá dân gian người Việt:
Chương 2: Triết lý âm dương trong văn hoá nhận thức. Ở chương này, luận văn trình bày triết lý âm dương trong nhận thức về vũ trụ và nhận thừc về con người.
Chương 3: Triết lý âm dương trong văn hoá tổ chức cộng đồng. Xuất phát từ mục tiêu của luận văn, chương này trình bày triết lý âm dương trong văn hóa tổ chức đời sống tập thể ở ba hình thức tổ chức xã hội: nhà, làng, nước, và triết lý âm dương trong tổ chức đời sống cá nhân ở các lĩnh vực: tín ngưỡng, phong tục và nghệ thuật.
Chương 4: Triết lý âm dương trong văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Chương này trình bày triết lý âm dương trong văn hóa tận dụng và đối phó với môi trường tự nhiên, tận dụng và đối phó với môi trường xã hội.
NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN
Triết lý âm dương là sự nhận thức về thế giới, nó dựa trên cơ sở khái quát những tri thức có tính kinh nghiệm, trực giác về thế giới và hoạt động thực tiễn của người thời cổ ở Trung Quốc và Việt Nam. Nội dung cơ bản của triết lý âm dương là mọi sự vật, hiện tượng đều là sự kết hợp và chuyển hóa lẫn nhau của hai mặt đối lập theo quy luật: trong âm có dương, trong dương có âm; âm cực sinh dương, dương cực sinh âm. Triết lý âm dương, đến lượt nó lại là cơ sở cho sự nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Trong điều kiện tự nhiên và lịch sử - xã hội đặc thù (nóng ẩm mưa nhiều, nông nghiệp lúa nước, ngã tư đường của các luồng văn minh...) mà người Việt hình thành và phát triển, triết lý âm dương được nhận thức, vận dụng thể hiện sự quân bình – hài hòa âm dương nhưng thiên về âm tính. Có thể khẳng định: triết lý âm dương với đặc điểm trên, thấm nhuần trong mọi thành tố của văn hóa dân gian, và góp phần tạo nên nét độc đáo trong tính cách người Việt.
Ở thành tố văn hóa nhận thức, triết lý âm dương được vận dụng vào giải thích bản chất của vũ trụ và con người – tiểu vũ trụ. Mọi vật, kể cả con người đều do sự kết hợp và chuyển hóa của hai yếu tố âm - dương (mẹ - cha; đực – cái) mà thành. Triết lý âm dương cũng là cơ sở để giải thích về cấu trúc không gian vũ trụ (tam tài, ngũ hành) và thời gian vũ trụ (lịch âm dương - hệ đếm can chi). Từ việc xem con người là “tiểu vũ trụ”, “thiên địa vạn vật nhất thể”, người xưa đã vận dụng mô hình nhận thức về vũ trụ vào nhận thức con người (con người tự nhiên và con người xã hội). Đó là, con người cũng được tạo thành bởi sự kết hợp âm dương, có cấu tạo theo ngũ hành. Nhận thức trên về vũ trụ và về con người được ứng dụng trong mọi thành tố văn hóa dân gian người Việt, từ tổ chức đời sống tập thể, tổ chức đời sống cá nhân đến ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Trong thành tố văn hóa tổ chức đời sống, triết lý âm dương thể hiện qua việc tổ chức đời sống tập thể và tổ chức đời sống cá nhân của người Việt. Ở bộ phận tổ chức đời sống tập thể, ba thiết chế xã hội được khảo sát là gia đình (nhà), làng, nước. Trong tổ chức gia đình, sự quân bình âm dương thiên về âm tính thể hiện ở việc chú trọng sự hòa thuận, đề cao vai trò của người phụ nữ, cùng với quá trình vận động trong sự đối lập các mặt: trọng nam, trọng trưởng / trọng nữ; tôn ty trật tự / tình cảm, cộng đồng, hòa thuận; tập trung tài sản, sở hữu cộng đồng / phân tán tài sản, sở hữu cá nhân. Trong tổ chức làng xã, triết lý âm dương biểu hiện ở tính tự trị và tính cộng đồng, tính tôn ty và tính dân chủ, trong đó tính tự trị và tính dân chủ vừa là nền (trên cở sở nông nghiệp lúa nước) vừa luôn có xu thế lấn lướt (quân bình âm dương nhưng thiên về âm tính). Trong tổ chức quốc gia – Nước, triết lý âm dương thể hiện ở quan niệm về Nước. Nước là sự kết hợp của hai yếu tố âm dương (Lạc Long Quân – Âu Cơ, Đất – Nước). Nhà nước quản lý xã hội bằng cả luật pháp và phong tục (biểu hiện ở sự song song tồn tại của phép nước và lệ làng). Và ở trong dân gian, lệ làng có biểu hiện nổi trội (Phép vua thua lệ làng) – đề cao lệ, đề cao tình (âm tính).
Ở bộ phận văn hóa tổ chức đời sống cá nhân, các lĩnh vực được khảo sát bao gồm: tín ngưỡng, phong tục (lễ hội, cưới hỏi, tang ma) và nghệ thuật (nghệ thuật thanh sắc và nghệ thuật tạo hình). Đây là bộ phận thể hiện sâu đậm và sinh động triết lý âm dương. Quân bình âm dương thiên về âm tính trong tín ngưỡng là: tín ngưỡng đa thần, sự tồn tại lâu dài, phổ biến của tín ngưỡng phồn thực và sự nổi trội của nữ thần. Trong lĩnh vực phong tục, quân bình âm dương thể hiện qua các nghi lễ, trò diễn, tục lệ: ở lễ hội, đó là sự quân bình giữa phần lễ với phần hội, giữa phần thế tục với phần linh thiêng; trong hôn nhân, các nghi thức, các lễ vật luôn thể hiện cặp đôi đực - cái; trong tang ma, các nghi thức các tục lệ thể hiện quan niệm về quan hệ giữa thế giới người sống (dương) với thế giới người chết (âm). Trong nghệ thuật dân gian, bộ phận nghệ thuật thanh sắc thể hiện triết lý âm dương ở giọng ca luyến láy, ở nhạc cụ nhấn nhá và trong diễn xướng đối ca, đối tỷ; bộ phận nghệ thuật tạo hình thể hiện triết lý âm dương trong hình thức trình bày cặp đôi, trong nội dung thể hiện biểu tượng âm dương… Đặc điểm nổi trội của của triết lý âm dương trong tổ chức đời sống cá nhân là tín ngưỡng phồn thực tồn tại lâu dài và thấm đượm trong mọi hoạt động của người Việt, từ nghi lễ cho đến trò diễn, trò chơi và sáng tạo nghệ thuật…
Triết lý âm dương trong ứng xử với môi trường tự nhiên thể hiện qua hai mặt hoạt động: tận dụng môi trường tự nhiên và ứng phó với môi trường tự nhiên. Ở mặt tậm dụng môi trường tự nhiên (ăn uống, chữa bệnh), người Việt luôn hướng tới sự quân bình âm dương giữa các nguyên liệu chế biến thức ăn, giữa thức ăn với cơ thể và giữa cơ thể với môi trường. Cũng do ở xứ nóng nên cơ cấu bữa ăn của người Việt thiên về thực vật (nhiều rau, bột) - âm tính. Mặt ứng phó với môi trường tự nhiên thể hiện trong việc mặc và ở. Mặc của người Việt cũng hướng tới sự quân bình bằng cách làm giảm cái nóng (dương) của thời tiết qua cách mặc thoáng mát. Quân bình âm dương trong ở của người Việt thể hiện qua việc chọn hướng nhà (hướng nam), chọn đất theo thuật phong thủy (tránh luồng khí, dòng nước ngưng tụ hoặc quá mạnh = quá âm hoặc quá dương), hướng tới sự hài hòa thiên – địa – nhân.
Triết lý âm dương trong ứng xử với môi trường xã hội cũng thể hiện qua hai mặt hoạt động: tiếp nhận và đối phó. Trên “cái nền” hài hòa âm dương thiên về âm tính, trong ứng xử với môi trường xã hội, ở mặt tiếp nhận, các hiện tượng văn hóa ngoại lai (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo…) được biến đổi theo hướng dung hợp (sự kết hợp giữa các tôn giáo với nhau và với tín ngưỡng bản địa, giữa lý với tình, giữa đạo với đời; biến thành cặp đôi dực – cái) – quân bình, trọng tình, nữ hóa. Ở mặt phản kháng để tồn tại, với nhận thức trong âm có dương, trong dương có âm, âm dương chuyển hóa, người Việt có cách ứng xử là hòa hiếu, tránh đối đầu, khi chiến thắng thì không lạm sát. Và, khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh thì vận dụng linh hoạt, tổng hợp, có niềm tin ở tương lai.
Ở khía cạnh tạo nên tính cách người Việt, triết lý âm dương là bộ phận quan trọng của nhận thức với vai trò là thế giới quan, nhân sinh quan. Xuất phát từ nhận thức âm dương là gốc của mọi vật nên người Việt luôn hướng tới sự quân bình âm dương. Với người Việt, quân bình âm dương vừa biểu hiện cho sự hoàn thiện, viên mãn, mà vuông tròn là một biểu tượng (Vái trời cho đặng vuông tròn – ca dao; Ba vuông sánh với bảy tròn, đời cha vinh hiển, đời con sang giàu - tục ngữ), vừa được xem như là nguyên tắc ứng xử (Đừng ăn quá miệng, đừng diện quá sang; Nhọn gãy, cứng nát…tục ngữ).
Cũng từ sự nhận thức về âm dương chuyển hóa (âm cực sinh dương, dương cực sinh âm) mà người Việt có lối sống thanh thản, lạc quan (Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời - tục ngữ), ứng xử linh hoạt và khả năng thích nghi cao (Ăn theo thuở, ở theo thì - tục ngữ).
KẾT LUẬN
Triết lý âm dương ảnh hưởng sâu sắc trong văn hóa dân gian, nó góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, làm nên sức sống dẻo dai, bền bỉ và trường tồn của người Việt. Ngày nay, triết lý âm dương vẫn tiếp tục được nghiên cứu và vận dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Và gần đây, trong xu thế “phục hưng” các giá trị văn hóa phương Đông, triết lý âm dương cũng được chú ý nghiên cứu và vận dụng nhiều hơn, nhất là ở lĩnh vực nhân tướng học, kiến trúc và y học

Song, trong bối cảnh đất nước ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều điều trong nhận thức và ứng xử của người Việt – vốn trước đây là ưu điểm, nay cũng đã bộc lộ những hạn chế. Đó là từ trọng sự quân bình, đưa đến tư tưởng bình quân chủ nghĩa và thái độ nước đôi theo kiểu: hòa cả làng; dĩ hòa vi quý; chín bỏ làm mười. Đó là bên cạnh sự linh hoạt, giỏi ứng phó là sự tùy tiện, đại khái, làm không đến nơi đến chốn (cơ bản hoàn thành), và hậu quả của nó là nhiều công trình dang dở, thiếu đồng bộ. Tinh lạc quan cũng nhiều khi đưa đến sự tự mãn, thiếu thực tế. Trọng tình cũng dẫn đến tình trạng đặt tình trên lý, coi thường pháp luật. Vì vậy, bên cạnh việc nghiên cứu để thấy giá trị của triết lý âm dương, thì những hạn chế nêu trên cũng cần được nghiên cứu và có các giải pháp nhằm điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.