ĐỀ TÀI LUẬN VĂN THẠC SĨ:
TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI HOA Ở
QUẬN 5, TP. HỒ CHÍ MINH
MỤC LỤC
DẪN LUẬN
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
3. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4. Mục đích nghiên cứu
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
6. Đóng góp của luận văn
7. Bố cục của luận văn
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Một số vấn đề lý luận
1.1.1. Văn hóa
1.1.2. Tín ngưỡng
1.1.3. Tín ngưỡng và tôn giáo
1.1.4. Tín ngưỡng từ góc độ văn hóa học
1.2. Tổng quan về người Hoa ở quận 5
1.2.1. Đặc điểm địa lý quận 5
1.2.2. Lịch sử hình thành cộng đồng người Hoa ở quận 5
1.2.3. Sự phân bố và đặc điểm cư trú của người Hoa ở quận 5
1.2.4. Đặc điểm văn hóa của người Hoa ở quận 5
1.2.4.1. Nhà ở
1.2.4.2. Ăn uống
1.2.4.3. Trang phục
1.2.4.4. Tín ngưỡng, tôn giáo
1.2.4.5. Sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao
1.2.4.6. Các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật
1.3. Tín ngưỡng của người Hoa ở vùng duyên hải phía Nam Trung Quốc
* Tiểu kết
Chương 2
MỘT SỐ LOẠI HÌNH TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI HOA Ở QUẬN 5
2.1. Thế giới quan siêu nhiên của người Hoa ở quận 5
2.2. Tiêu chí phân loại tín ngưỡng
2.3. Tín ngưỡng của cá nhân
2.3.1. Thờ thần bảo mệnh
2.3.2. Thờ thần độ tuổi
2.4. Tín ngưỡng trong gia đình và dòng họ
2.4.1. Thờ cúng tổ tiên
2.4.2. Thờ Thiên Quan Tứ
2.4.4. Thờ Thổ Địa và Thần Tài
2.4.5. Thờ Táo quân
2.4.6. Tín ngưỡng trấn trạch
2.4.7. Thờ cúng họ tộc
2.5. Tín ngưỡng của các nhóm người Hoa theo phương ngữ
* Tiểu kết
Chương 3
TÍN NGƯỠNG TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI HOA Ở QUẬN 5
3.1. Tín ngưỡng trong hoạt động kinh tế - xã hội
3.1.1. Trong hoạt động kinh tế
3.1.2. Trong hoạt động xã hội
3.2. Tín ngưỡng - một bộ phận cấu thành văn hóa Hoa ở quận 5 và ở Nam Bộ
3.3. Tín ngưỡng người Hoa ở quận 5 trong quá trình định cư và phát triển
3.4. Một số đặc điểm văn hóa tín ngưỡng người Hoa ở quận 5
* Tiểu kết
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
DANH MỤC HÌNH
PHỤ LỤC
Phụ lục 1 : Một số bản đồ
Phụ lục 2 : Danh sách các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa ở quận 5
Phụ lục 3 : Danh sách các đền thờ họ (từ đường) của người Hoa ở quận 5
Phụ lục 4 : Ngày Vía các vị Phật, Thần, Thánh của người Hoa ở quận 5
Phụ lục 5 : Hình ảnh
5.1. Một số hình ảnh về sinh hoạt tín ngưỡng của người
Hoa ở duyên hải phía Nam Trung Quốc
5.2. Một số hình ảnh về kiến trúc của người Hoa ở
quận 5
5.3. Tín ngưỡng của cá nhân
5.4. Tín ngưỡng trong gia đình
5.5. Tín ngưỡng trấn trạch
5.6. Thờ cúng họ tộc
5.7. Tín ngưỡng của các nhóm người Hoa theo phương ngữ
5.8. Một số vấn đề còn tồn tại
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ:
TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI HOA Ở
QUẬN 5, TP. HỒ CHÍ MINH
Vùng đất Nam Bộ đã được khai phá hơn ba thế kỷ qua. Đây là vùng đất đa văn hóa, nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa của khu vực và thế giới, trong đó nổi lên sắc màu khá đậm ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Văn hóa Trung Hoa đến Nam Bộ theo nhiều con đường khác nhau, từ những thương nhân Trung Hoa qua lại trên biển Nam Hải ghé lại các thương cảng Nam Bộ, tới những người Hoa di cư đến đây sau khi phải rời bỏ quê hương vì nhiều lý do: chiến tranh, bệnh tật, đói kém, … Những di dân người Hoa này đổ bộ vào vùng đất Nam Bộ từ hơn ba thế kỷ trước, các cuộc di dân có lúc ồ ạt thành đợt hàng ngàn người, có lúc lẻ tẻ vài mươi người. Những di dân người Hoa này dần dần hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam, từ kiều dân dần dần trở thành công dân. Ngày nay, người Hoa là công dân Việt Nam, là một thành phần trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ở Nam Bộ, người Hoa tập trung đông nhất ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, quận 5 là nơi người Hoa đến định cư từ khá sớm và sống khá tập trung ở nhiều phường, nhiều khu phố. Người Hoa ở đây chiếm một tỷ lệ dân số khá cao trong cơ cấu dân số chung của toàn quận. Đời sống sinh hoạt văn hóa của người Hoa ở quận 5 nhìn chung rất sôi nổi, phong phú, trong đó có nhiều yếu tố văn hóa vốn được họ mang theo từ quê cha đất tổ và những yếu tố mới hình thành từ sự giao thoa trong quá trình cộng cư cùng với các tộc người khác trên vùng đất mới này. Cùng với người Việt và các dân tộc khác cùng sinh sống, người Hoa đã góp phần không chỉ làm thay đổi cảnh quan, đời sống vật chất mà còn làm cho đời sống tinh thần ở quận 5 thêm đa dạng và phong phú. Vì thế, văn hóa người Hoa nói chung và văn hóa tín ngưỡng của người Hoa nói riêng được thể hiện khá đầy đủ và đậm nét.
Người Hoa ở quận 5 vốn quan niệm “vạn vật hữu linh”, vì thế tín ngưỡng của họ mang tính chất “đa thần”. Đối tượng thờ cúng của họ có mặt ở cả 3 thế giới: thượng giới, trần gian và âm giới. Phân loại theo quy mô, phạm vi, tín ngưỡng của người Hoa ở quận 5 gồm có: tín ngưỡng cá nhân, gia đình và dòng họ, theo các nhóm phương ngữ. Mỗi loại hình tín ngưỡng có sự phân hóa đa dạng dẫn đến sự phức tạp.
- Tín ngưỡng cá nhân gồm: thờ thần bảo mệnh, thần độ tuổi.
- Tín ngưỡng trong gia đình và dòng họ gồm: thờ cúng tổ tiên, thờ cúng họ tộc, Thiên Quan Tứ Phúc - Môn Khẩu Thổ Địa Tiếp Dẫn Tài Thần, Môn thần, Thổ Địa - Thần Tài, Táo quân, Tổ Sư cùng các tín ngưỡng trấn trạch.
- Tín ngưỡng của các nhóm người Hoa theo phương ngữ: người Hoa ở quận 5 thờ 3 nhân vật chính là Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phức Đức Chính Thần. Bên cạnh đó, họ còn thờ một số những nhân vật khác như: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Tuế Gia Gia, Long Mẫu Nương Nương, Kim Hoa Nương Nương, Hoa Công - Hoa Bà, Tề Thiên Đaị Thánh, Tử Vi Tinh Quân, Tài Bạch Tinh Quân, Huê Quang Đại Đế, Thần Tài Gia Gia, Văn Xương Đế Quân, Quảng Trạch Tôn Vương, Bao Công, Thái Sơn Thạch cảm đương, Ngũ Hành Nương Nương, Địa Mẫu … Mỗi một nhân vật thờ cúng đều nhằm đáp ứng cho họ về một mong muốn nào đó trong cuộc sống. Từng nhân vật lại có những nghi thức cúng bái khác nhau. Tất cả tạo thành một bức tranh đa sắc màu về khía cạnh tinh thần của người Hoa quận 5.
Tín ngưỡng có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa của người Hoa ở quận 5. Tín ngưỡng là chỗ dựa tâm linh không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của họ và có ảnh hưởng trực tiếp đến các tập tục kiêng kỵ trong nghi lễ đời người từ thai giáo, hôn nhân, sinh nở cho đến ma chay. Mọi nơi cư trú của người Hoa đều thấy bóng dáng của tín ngưỡng được thể hiện qua sự thờ cúng các vị Thần, Thánh. Trong gia đình từ trước cửa đến trong nhà cho đến gian bếp đều có chỗ cho hoạt động tín ngưỡng, đó là sự hiện diện của một loạt các vị gia thần: Môn thần, Thiên Quan Tứ Phúc, Môn Khẩu Thổ Địa Tiếp Dẫn Tài thần, Thổ Địa, Thần Tài, Táo quân… Có những vị thần vừa được thờ cúng trong gia đình, lại vừa thờ cúng trong các cơ sở tín ngưỡng cộng đồng dòng họ, cộng đồng phương ngữ như Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thổ Thần …
Người Hoa còn dựa vào tín ngưỡng để phấn đấu rèn luyện về tư cách, phẩm chất đạo đức của mình. Người Hoa ở quận 5 cho dù sống trong một không gian khá chật hẹp, nhưng trong từng gia đình vẫn luôn dành một vị trí trang trọng để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” qua tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tính cộng đồng là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Hoa. Là những người phải rời bỏ quê hương đến nơi khác sinh sống, họ đã gắn bó cùng nhau, giúp nhau cùng tồn tại và phát triển. Cộng đồng là sức mạnh giúp họ vượt qua mọi khó khăn và thử thách. Chính vì vậy họ rất coi trọng quan hệ đồng hương, đồng tộc. Điều đó cũng được thể hiện qua tín ngưỡng thờ cúng trong gia đình và dòng họ của người Hoa được duy trì đến ngày nay. Bên cạnh đó, nhiều nhân vật được thờ cúng trong thế giới Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đã được chuyển hóa và thờ cúng ở trong gia đình và ở các cơ sở tín ngưỡng cộng đồng của họ.
Người Hoa ở quận 5 sống chủ yếu bằng nghề buôn bán, trao đổi hàng hóa, nên tín ngưỡng có vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại. Vì thế, tính chất “thực dụng” có mặt trong đời sống tín ngưỡng của họ. Họ thờ nhiều vị thần cùng một lúc để nhằm cầu mong được nhiều tài lộc, tránh rủi ro trong mua bán. Tín ngưỡng cũng đã góp phần ổn định cuộc sống của họ tại khu vực qua việc hình thành và phát triển một số nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống.
Tín ngưỡng của người Hoa ở quận 5 có mối quan hệ mật thiết với các hoạt động kinh tế. Phần lớn người Hoa ở quận 5 đều hoạt động trong lĩnh vực thương mại thường phải đối mặt với nhiều may rủi nên cầu cúng là một nhu cầu tất yếu. Hầu như ở các cơ sở kinh doanh của người Hoa từ những cửa hàng lớn đến những xe đẩy của người bán hàng rong đều dành chỗ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, nổi bật nhất là thờ cúng Thần Tài cùng những tín ngưỡng nghề nghiệp riêng biệt. Ngược lại nhiều hoạt động kinh tế ở đây được hình thành và duy trì là nhằm phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng như nghề làm vàng mã; may áo mão cho các đối tượng thờ cúng, làm bánh cúng …
Tín ngưỡng của người Hoa ở quận 5 được bảo lưu từ tín ngưỡng truyền thống của người Hoa ở các tỉnh duyên hải phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình cộng cư lâu dài với người Việt và một số dân tộc khác trên địa bàn, tín ngưỡng của người Hoa ít nhiều có sự chuyển biến dẫn đến sự khác biệt so với tín ngưỡng ban đầu khi còn quê hương.
Các cơ sở tín ngưỡng cộng đồng của người Hoa ở quận 5 là một trong những đầu mối quan trọng để liên kết mọi người trong cùng một nhóm phương ngữ, đồng thời liên kết các nhóm phương ngữ của người Hoa lại với nhau. Vì thế tình đoàn kết, sự tương thân tương ái từ đó được duy trì bằng những hoạt động mang tính xã hội (từ thiện, đóng góp cho cộng đồng…).
Tóm lại tín ngưỡng của người Hoa ở quận 5 đóng vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa, là sợi dây liên kết cộng đồng của người Hoa ở vùng đất mới. Tín ngưỡng của người Hoa là một trong các tiêu chí quan trọng xác định bản sắc văn hóa dân tộc, phân biệt họ với các dân tộc khác. Bên cạnh đó, tín ngưỡng là một phần văn hóa của người Hoa, vì thế nghiên cứu tín ngưỡng của người Hoa sẽ góp phần tìm hiểu văn hóa Hoa ở quận 5 nói riêng và Nam Bộ nói chung.