Nhân vật thị màu trong vở chèo cổ "Quan âm Thị Kính" đã trở thành một nhân vật, một khẩu ngữ thường ngày của nhân dân ta, nhất là nhân dân Bắc bộ. Cụm từ "Thị Màu lên chùa" và "oan Thị Màu" là một điển tích điển cố trong số những điển cố hiếm hoi của ta, cố nhiên là so với điển cố của Tàu.
Vốn dĩ trong tư tưởng của dân ta, Thị Màu là cái gì đó tất lẳng lơ, rất xấu xa, tượng trưng cho một thứ con gái nứt mắt đã biết tìm giai, vơ bèo vạt tép, v.v.
Nhưng khi xem vở chèo, đường như không một ai có ác cảm với cô Thị Màu này cả. Nó trái ngược hẳn với những nhân vật phản diện thường có trong các vở kịch, phim truyền thống của cả ta và tây....
Có thể nói đó là một hiện tượng trong nền văn hoá dân gian ta vậy.
Phải thành thực mà nói, trong các đoàn chèo đã đang và sẽ diễn vở "Quan âm Thị Kính", diễn viên đóng vai Thị Màu bao giờ cũng phải là diễn viên (cố nhiên là nữ) xuất sắc nhất trong đoàn. Bởi nhẽ đóng vai thị Màu là một công việc khó khăn, và đòi hỏi sự lao động vất vả nhất của người diễn viên. Một nhân vật mà từ trang phục cách đi lại, ánh mắt nụ cười ... đều phải được luyện tập công phu. Mà công phu một cách thực sự chứ không phải như mấy bộ phim truyền hình hay phim truyện Việt nam. Một nhân vật có vũ đạo nhiều nhất trong kịch bản. Có thể nói tính vũ đạo, tính cách điệu cho nhân vật phải đến tận ... ngón chân của người diễn viên.
Hình tượng một người con gái hơ hớ sức xuân bị trói buộc trong lễ giáo đang vùng vẫy đòi được tự do yêu đương, tự do theo ý thích của mình. Một người con gái hừng hực nhựa sống, sẵn sàng coi "làng" không ra cái quái gì nhưng cũng rất ngây thơ cả tin theo lời đường mật của "chính quyền" rằng "Khai đi rồi làng cho đoàn tụ vợ chồng". Phải nói là một nhân vật có đầy những mâu thuẫn trong chính mình. Nó thể hiện cho nỗi khát khao nhựa sống của người con gái trong xã hội "An Nam" ta xưa.
Trong bài "Nóng và lạnh trên sân khấu”, Nguyễn Thị Minh Thái viết: “Khó có thể quên cảnh Thị Màu, tuổi chanh cốm đa tình, xinh đẹp, xăm xắn lên chùa, nhăm nhăm chuyện giường chiếu với chú tiểu Kính. Sàn diễn chèo cổ sân đình, rồi sàn diễn đương đại, khi không mà chẳng sôi lên vì Thị Màu, tay nâng mâm hoa quả tung tẩy lên chùa, mắt long lanh đong đưa, hát đối đáp sôi sục với dàn đế: Ừ thì cọc đi tìm trâu đấy. Người đâu đến ở chùa này, cổ cao ba ngấn lông mày nét ngang! Bởi vậy, Thị Màu thành vai mẫu trong vở chèo mẫu mực Quan Âm Thị Kính của sân khấu dân gian Việt, lưu truyền hàng trăm năm theo phương thức truyền nghề "thầy già con hát trẻ”, từ thế hệ này qua thế hệ khác, mà lửa tình (mang dục tính khỏe mạnh của một dân tộc trồng lúa, với tín ngưỡng "phồn thực") của Thị Màu vẫn rực cháy khôn nguôi. Nội chỉ xem trích đoạn Thị Màu lên chùa, người xem trong nước, ngoài nước cũng đã no nê con mắt”.
"Thị Màu lên chùa" (hai bé Hoài Băng và Thảo My trình diễn)
Trong khi giới trẻ Việt Nam bị cuốn đi trong làn sóng hip hop và quay lưng lại với những giá trị nghệ thuật truyền thống thì một cô gái ngưới Úc tóc vàng mắt xanh đã tạm xa quê nhà để Việt Nam học hát Tuồng, Chèo. Eleanor Clapham là sinh viên nước ngoài đầu tiên và duy nhất cho đến nay theo học Tuồng Chèo tại Việt Nam. Học hát và múa các loại hình nghệ thuật truyền thống là một thách thức không nhỏ đối với ngay cả những sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên chỉ sau hơn một năm sống và học tập tại Hà Nội, Eleanor đã có thể biểu diễn thuần thục các trích đoạn chèo nổi tiếng như: Thị Màu lên chùa, Xuân Đào cắt thịt, Súy Vân giả dại, Hồ Nguyệt Cô hoá cáo.
“Tôi rất thích nhân vật Thị Màu, đó là một phụ nữ rất cá tính, rất khác biệt so với những người cùng thời với cô ấy. Tôi rất vui khi mình diễn vai này…tạm được” - Eleanor nói.
Nhà Hát Lớn Hà Nội tối 22-12-2006 gần như kín chỗ và khán giả hầu hết nán lại đến phút cuối buổi biểu diễn của Eleanor Clapham. Bất cứ ai cũng từng ít nhất một lần xem trích đoạn quen thuộc Thị Màu lên chùa, nhưng chắc chắn không ai lại không khỏi ngạc nhiên và tò mò khi thấy một cô Thị Màu tóc vàng hoe đang tán tỉnh sư thày Thị Kính.
"Thị Màu lên chùa" là một trích đoạn chèo hết sức quen thuộc đối với người Việt. Mỗi người trong đời mình đều có thể từng xem một vài Thị Màu với diễn xuất của một vài diễn viên khác nhau. Nhưng khi Eleanor xuất hiện, cô thật sự làm cho khán giả thú vị bởi vẻ lẳng lơ rất "Thị Màu" của mình. Đến nỗi khán giả, cứ sau mỗi câu hát hoặc nói của cô, lại thưởng những tràng pháo tay lớn. "Thị Màu lên chùa" đã khiến không khí của buổi biểu diễn trở nên phấn khích.
Một phần khán giả là các nghệ sỹ của các nhà hát tuồng, chèo và nhà hát Nhạc Nhẹ Việt Nam. Một phần nữa là người nước ngoài, những người bạn của Eleanor và những người muốn đến xem một người cũng là "nước ngoài ở Việt Nam" như mình làm gì với nghệ thuật truyền thống dân tộc này. Còn lại, rất nhiều khán giả đến xem với tâm trạng tò mò muốn biết một người "Tây" diễn chèo thì như thế nào.
Trong tâm trạng đó, Eleanor đã thực sự gây bất ngờ cho họ, thậm chí một số người kinh ngạc khi biết rằng chỉ với một năm vừa học tuồng, chèo, vừa học tiếng Việt mà cô lại có thể hát và múa được như thế.
Còn người Nam Bộ vào những năm sau giải phóng còn rất lạ lẫm với sân khấu chèo. Khi được xem Đoàn chèo Ninh Bình vào lưu diễn vở Quan Âm Thị Kính, họ bảo nhau: “Nó giống như cải lương của mình ấy, nhưng hát theo kiểu miền Bắc”, và kết luận:
- Đù Má nó! Diễn hay thật!
"Thị Màu lên chùa" (NS Vân Quyến) - đoạn 1
"Thị Màu lên chùa" (NS Vân Quyến) - đoạn 2
Tổng hợp từ:
Phi Chan. Đoạn chèo cổ "Thị Màu lên chùa" và một phiên toà làng. http://www.ngoisaoblog.com/m.php?u=phichan&p=148138
Phong Vân. Một Thị Màu tóc vàng hoe. http://dantri.com.vn/nhipsongtre/2006/12/158159.vip
Diễm Huyền. Lạ và hào hứng với Tuồng Chèo của Eleanor Clapham. http://www.vtc.vn/vanhoa/la-va-hao-hung-voi-tuong-cheo-cua-eleanor-clapham/11347/index.htm
Nguyễn Thị Minh Thái. "Nóng" và lạnh trên sân khấu! http://www.hue.vnn.vn/vanhoa/2008/05/274242/