logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa học ứng dụng
  • Văn hóa giáo dục - khoa học
Wednesday, 12 May 2010 10:00

Trần Ngọc Thêm. Về nhiệm vụ và CĐCS đối với GS – PGS nhìn từ văn hoá

Người post bài:  Trần Ngọc Thêm

 

VỀ NHIỆM VỤ VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
ĐỐI VỚI GIÁO SƯ - PHÓ GIÁO SƯ NHÌN TỪ VĂN HÓA

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm

(Trường ĐHKHXH và NV, ĐHQG Tp. HCM)

 

Đây là báo cáo do GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm thực hiện trên cương vị Tổ trưởng Tổ Nhiệm vụ, chế độ chính sách đối với chức danh GS-PGS theo Quyết định số 315/Qd-ĐHQG-TCCB ngày 30/3/2009 của Giám đốc ĐHQG-HCM, đã trình bày tại Hội thảo về việc bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ở ĐHQG Tp. HCM tổ chức ngày 13-10-2009, và đã đăng (gần như toàn văn) tại Bản tin “Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”, số 118-2009 (tr. 19-26).

Xét thấy đây là một bài viết có giá trị từ góc nhìn văn hoá học đối với một vấn đề thực tiễn của đất nước và đối với lĩnh vực văn hoá giáo dục - văn hoá đại học, vanhoahoc.edu.vn đăng lại ở đây toàn văn báo cáo này.

 

Xem thêm về Hội thảo về việc bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ở ĐHQG Tp. HCM:

- Nhiều GS - PGS ‘ám ảnh’ về chế độ làm việc (14/10/2009)

- Lương giáo sư Việt Nam thấp nhất thế giới (15/10/2009)

- Cách phong giáo sư lâu nay sinh ra bệnh háo danh (2-5-2010)

1. Thực trạng nhiệm vụ
và chế độ chính sách đối với GS-PGS

1.1. Những nhược điểm và hạn chế của một nền văn hoá gốc nông nghiệp điển hình chi phối thực trạng nhiệm vụ và chế độ chính sách đối với GS-PGS

Thực trạng nhiệm vụ và chế độ chính sách đối với GS-PGS ở ĐHQG Tp. HCM không nằm ngoài thực trạng nhiệm vụ và chế độ chính sách đối với GS-PGS ở Việt Nam nói chung. Mà thực trạng đó, đến lượt mình, bị quy định bởi những nhược điểm và hạn chế của một nền văn hoá gốc nông nghiệp điển hình.

Hạn chế lớn thứ nhất của một nền văn hoá nông nghiệp điển hình là chất âm tính, trọng tĩnh, chỉ cần ổn định chứ không cần phát triển. Vì vậy Việt Nam không có truyền thống khoa học. Việt Nam truyền thống chỉ quan tâm đào tạo người làm quan, làm công chức. Nền đại học Việt Nam theo phong cách phương Tây có từ thời Pháp và phát triển sau năm 1945, nhưng mãi đến năm 1976 mới có quyết định hình thành hệ thống chức vụ khoa học [Quyết định 162/CP-1976], và đến năm 1977 mới có quyết định về việc công nhận chức vụ GS và PGS [Quyết định 271-CP 1977].

Hạn chế lớn thứ hai của một nền văn hoá nông nghiệp điển hình là tư duy tiểu nông thiếu tầm nhìn xa nên làm việc thiếu kế hoạch. Vì vậy mà công nhận chức vụ khoa học từ năm 1977 nhưng mãi 12 năm sau mới thành lập Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước bằng một Nghị định với 7 điều rất sơ sài [Nghị định 153- HĐBT 1989]. Trong suốt hơn 10 năm Hội đồng làm việc thiếu kế hoạch, năm xét phong năm không. Phải đợi tiếp 12 năm nữa mới có một Nghị định quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh GS và PGS [Nghị định 20-CP 2001].

Hạn chế lớn thứ ba của một nền văn hoá nông nghiệp điển hình là do tư duy tổng hợp chung chung nên làm việc gì cũng đại khái, thiếu quy trình bài bản cụ thể. Vì vậy mà hình thành hệ thống chức vụ khoa học từ năm 1976 nhưng phải đợi 25 năm sau mới có quy định về tiêu chuẩn chức danh GS-PGS [Nghị định 20-CP 2001]. Và phải chờ tiếp 7 năm nữa đến Quyết đinh 174-2008 mới có một điều quy định về nhiệm vụ của GS và PGS, còn quyền của GS-PGS (điều 6) thì hết sức sơ sài, chế độ chính sách thì hoàn toàn không có (HĐCDGS NN đưa ra thảo luận và đế xuất từ năm 2004 nhưng không được thông qua).

Hạn chế lớn thứ tư của một nền văn hoá nông nghiệp điển hình là thói quen trọng danh hơn thực, trọng danh hơn lợi. Mặt tốt của nó là tạo ra một truyền thống lâu đời coi trọng giới khoa bảng và những người có bằng cấp cao (Muốn sang phải bắc cầu kiều..; Nhất tự vi sư...). Nhưng cũng chính nó là nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của quan niệm phổ biến coi GS là một thứ “hàm” kiểu như những phẩm hàm phong kiến thời xưa. Học hàm là danh hiệu trong hệ thống giáo dục và đào tạo được một tổ chức có quyền hạn nào đó phong (tặng) cho một người làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu[1]. Sau này đổi sang gọi là “chức danh khoa học” nhưng cách hiểu vẫn không thay đổi là bao. Chức danh là chức phận về danh tính của một người được xã hội công nhận, vì vậy mà khái niệm “cử nhân” nếu so với thạc sĩ, tiến sĩ thì là học vị, còn nếu so với bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư thì là chức danh[2]. Chính vì coi GS là phẩm hàm, danh hiệu nên Nghị định 20-CP năm 2001 tuy nói đến “bổ nhiệm chức danh” nhưng trên thực tế thì trong suốt 8 năm chỉ dừng lại ở việc “xét công nhận [= phong] chức danh” mà không kèm theo bất kỳ quy định cụ thể nào về nhiệm vụ cho người được phong.

1.2. Hệ quả

Chính vì chỉ công nhận và phong danh và thiếu quy định về nhiệm vụ nên quan niệm và cách làm này đã sản sinh ra căn bệnh “háo danh”, tệ nạn khệnh khạng bằng cấp, và thực trạng có một bộ phận “danh hão”, tạo ra vô số những ông “quan giáo sư” như giáo sư Hoàng Xuân Sính và Hoàng Tụy từng nói [Hoàng Xuân Sính 2008; Hoàng Tụy 2009]. Cũng chính do truyền thống “háo danh” và căn bệnh “cào bằng” của văn hoá nông nghiệp này mà một thời (những năm 1990) ở Việt Nam đã đẻ ra tên gọi “giáo sư II” để gọi các phó giáo sư”!

Mặt khác, do chỉ quan tâm đến danh mà không lo chế độ chính sách nên quan niệm và cách làm này đã dẫn đến thực trạng của GS-PGS Việt Nam là thu nhập từ trường đại học nơi mình làm việc không đủ đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình; việc trả lương nặng về chủ nghĩa bình quân, không phản ánh đúng và chưa tương xứng với năng lực và kết quả làm việc của mỗi GS-PGS. Thêm vào đó và cũng một phần do đó mà môi trường làm việc chưa tốt, điều kiện làm việc thiếu thốn, nề nếp kỷ cương bị buông lỏng, v.v. khiến cho ở một số nơi, hàng loạt cán bộ có bằng cấp, năng lực nghỉ việc ở các cơ quan nhà nước để ra làm ngoài [Vì sao 2008]. Sinh viên giỏi tốt nghiệp không muốn ở lại trường giảng dạy mà chỉ thích đi làm cho công ty nước ngoài!

So sánh quan niệm và cách thức sử dụng GS-PGS ở Việt Nam và phương Tây cho ta thấy rất rõ sự khác biệt giữa truyền thống văn hoá Việt Nam trọng danh và truyền thống văn hoá phương Tây trọng lợi (bảng 1).

Bảng 1: So sánh GS ở Việt Nam và thế giới

 

Phương Tây

Việt Nam

Đặc điểm văn hoá

Trọng lợi, thực dụng, cụ thể, phát triển cá nhân

Trọng danh, chung chung đại khái, coi trọng công đồng

Quan niệm về giáo sư

Là một cấp bậc khoa học (academic rank), một công việc (job)

Là một phẩm hàm (học hàm), một chức danh (academic title)

Cách làm

Tuyển vào để làm việc (tuổi trung bình trên dưới 40)

Công nhận (phong) khi đã sắp về hưu (tuổi trung bình 58)

Nhiệm vụ

Có hợp đồng làm việc với nhiệm vụ được quy định rõ ràng

Không có hợp đồng làm việc, nhiệm vụ nếu có chỉ mang tính hình thức

Điều kiện làm việc

Đáp ứng đầy đủ: lương cạnh tranh, chỗ làm việc riêng đầy đủ tiện nghi, hỗ trợ chỗ ở, phương tiện đi lại, con cái...

Hầu như không có: lương không đủ sống, chỗ làm việc riêng không có; mọi thứ như hỗ trợ chỗ ở, phương tiện đi lại, con cái... đều không

Hiệu quả

Phát triển khoa học, đào tạo nhân tài, xây dựng trường phái, mang lại uy tín quốc tế cho trường.

Chỉ có 15-20% số GS, PGS Việt Nam có trình độ thật sự tương xứng với chức vụ (theo GS. Đỗ Trần Cát)

 

Rõ ràng, muốn thay đổi bộ mặt của nền khoa học và giáo dục Việt Nam thì một trong những công việc quan trọng bậc nhất là phải sử dụng một cách hiệu quả đội ngũ GS-PGS. Mà muốn nâng cao được hiệu quả đội ngũ GS-PGS thì phải thay đổi về cơ bản quan niệm và cách thức sử dụng họ. Việc “bổ nhiệm chức danh GS-PGS” theo Quyết định 174-2008 mà Việt Nam đang tiến hành chính là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, việc làm này chỉ có thể được thực hiện một cách thực sự hiệu quả nếu có quy định về NHIỆM VỤ hợp lý và rõ ràng, kèm theo CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH về môi trường làm việc và đãi ngộ thỏa đáng.

2. Về nhiệm vụ của GS-PGS

2.1. Nhiệm vụ GS-PGS ở các trường đại học nước ngoài

Khảo sát quy định của một số trường đại học nước ngoài cho thấy hay được nhắc đến hơn cả là 9 nhiệm vụ sau đây:

1)       Giảng dạy ĐH, SĐH

2)       Phát triển chương trình giảng dạy

3)       Nghiên cứu khoa học

4)       Hướng dẫn ThS, NCS

5)       Điều hành họat động nghiên cứu

6)       Quản lý chuyên môn

7)       Tham gia các hoạt động tư vấn, huấn luyện, tổ chức hội thảo

8)       Tìm kiếm nguồn tài trợ cho các chương trình nghiên cứu

9)       Xuất bản sách.

Các nhiệm vụ 1-5 có ở tất cả các trường. Các nhiệm vụ 6-9 có ở một số trường. Bảng 2 nêu ra một số trường mang tính ví dụ.

Bảng 2: Quy định về nhiệm vụ giáo sự của một số trường đại học nước ngoài

 

Giảng dạy ĐH, S ĐH

Nghiên cứu khoa học

Hướng dẫn CH, NCS

Phát triển c.trình đào tạo

Điều hành h.động NC

Quản lý chuyên môn

Hoạt động tư vấn, huấn luyện, hội thảo...

Tìm tài trợ cho các CTNC

Xuất bản sách

University of Leuven, Nederland (Hà Lan)

+

+

+

 

 

 

 

 

 

The Australian National University, Australia

+

+

+

+

+

 

 

 

+

AIT Asian Institute of Technology, Thailand

+

+

+

+

 

 

+

 

 

National University of Singapore, Singapore

+

+

+

 

 

 

 

 

 

Hong Kong University of Science and Technology, Hong Kong

+

+

+

 

+

+

 

+

 

 

2.2. Nhiệm vụ GS-PGS ở Việt Nam

Ở Việt Nam, điều 5 trong Quyết định 174-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chức danh  giáo sư, phó giáo sư quy định GS và PGS có 6 nhiệm vụ:

1)        Thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2)        Giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên: giảng dạy; biên soạn chương trình, tài liệu phục vụ đào tạo; hướng dẫn đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, chuyên đề và luận án tiến sĩ và những nhiệm vụ chuyên môn khác do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học giao.

3)        Nghiên cứu khoa học và tổ chức nghiên cứu khoa học.

4)        Bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho đồng nghiệp trong tổ, nhóm chuyên môn và định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ cho tổ, nhóm chuyên môn.

5)        Hợp tác với đồng nghiệp trong và ngoài cơ sở giáo dục đại học về công tác chuyên môn, tham gia các hoạt động tư vấn khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các công tác khác.

6)        Quản lý và tổ chức các sinh hoạt học thuật của bộ môn, nếu được cử làm trưởng bộ môn.

Còn điều 8 trong Quyết định 64-2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định GS có 11 nhiệm vụ cụ thể là:

1)        Giảng dạy có chất lượng cao phần nội dung, chương trình chính của ngành đào tạo cao đẳng, đại học theo đúng kế hoạch đã được duyệt ở bộ môn; giảng dạy một số môn học, chuyên đề chính của chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và giáo trình mới;

2)        Chủ trì hướng dẫn học viên viết luận văn thạc sĩ, hướng dẫn nghiên cứu sinh viết chuyên đề, luận án tiến sĩ; phản biện và chấm luận văn thạc sĩ, chuyên đề và luận án tiến sĩ;

3)        Chủ trì hoặc tham gia thiết kế, xây dựng, hoàn thiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình đào tạo ở các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và đề xuất các chủ trương, phương hướng và biện pháp phát triển của ngành, chuyên ngành;

4)        Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giảng viên chính và phó giáo sư theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của bộ môn hoặc chuyên ngành;

5)        Chủ trì biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo và tài liệu tham khảo của bộ môn và ngành học phục vụ giảng dạy, học tập;

6)        Tổng kết, đánh giá kết quả giảng dạy, đào tạo theo ngành, chuyên ngành; chủ động đề xuất cải tiến mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế;

7)        Chủ trì hoặc tham gia tổ chức thực hiện, đánh giá các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp;

8)        Định hướng nghiên cứu, tập hợp tổ chức giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư và người học cùng tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ;

9)        Xây dựng, tham gia nghiệm thu và công bố các báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm đóng góp vào sự phát triển của bộ môn, của chuyên ngành ở trong và ngoài nước;

10)     Tham gia lãnh đạo chuyên môn và đào tạo, tham gia công tác quản lý ở bộ môn, khoa, phòng, ban… thuộc cơ sở giáo dục đại học; tham gia công tác quản lý khoa học và công nghệ, công tác quản lý đào tạo khác;

11)     Thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ sở giáo dục đại học về chuyên môn và nghiệp vụ.

2.3. Bình luận

Tuy thoạt nhìn thì thấy số lượng nhiệm vụ trong 2 văn bản khác xa nhau, nhưng nếu lưu ý rằng nhiệm vụ đầu tiên trong số 6 nhiệm vụ của Quyết định 174-2008 là “Thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục”, mà điều 72 trong Luật giáo dục 2005 quy định nhà giáo có 5 nhiệm vụ[3] thì tổng cộng số lượng nhiệm vụ dành cho GS ở cả hai văn bản đều bằng nhau là 11 nhiệm vụ!

Số lượng 11 nhiệm vụ như vậy gây ấn tượng quá chi ly, vụn vặt. Điều này gần như lặp lại tình trạng các điều kiện xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS-PGS mà nhiều nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đã phê phán là chạy theo những dấu hiệu hình thức “không giống ai” (số năm thâm niên, số điểm công trình, số NCS đã bảo vệ, số đề tài đã chủ trì...) khiến cho trong khi có những người không xứng đáng nhưng vẫn lọt vào danh sách GS-PGS thì mặt khác lại gây khó khăn dẫn tới để lọt ra ngoài nhiều người trẻ tuổi tài năng, tới mức có ý kiến cho rằng “Trở thành Giáo sư ở nước ngoài “dễ” hơn Giáo sư “quốc nội”!” [Giang Nam 2008].

 Theo tôi, những người phê phán có lý khi xuất phát từ tình hình nước ngoài mà nhìn vào Việt Nam. Nhưng cũng phải thấy rằng các nhà khoa học làm công tác quản lý ở HĐCDGS NN thì đã xuất phát từ thực tiễn Việt Nam mà đưa ra những quy định ấy. Điều mà xưa nay ai cũng biết là nói thì dễ mà làm thì khó. Cái mâu thuẫn giữa NÓI và LÀM trong trường hợp này chính là ở chỗ người nói chưa thấy được cái phức tạp của thực tiễn truyền thống văn hoá Việt Nam mà người làm thì chưa lý giải được nó một cách thuyết phục và chưa có đủ biện pháp hợp lý.

Thực tiễn của truyền thống văn hoá Việt Nam ấy chính là thói dối trá xuất phát từ tính cộng đồng làng xã dựa dẫm cào bằng, và thói sĩ diện tới mức thiếu trung thực. Thói dối trá ngày càng phổ biến và lan tràn khắp nơi ấy cộng thêm thói đại khái xuề xòa khiến cho tình hình trở nên rất tệ hại nếu không có những quy định định lượng thật chặt chẽ[4].

Tại các Hội thảo ở Hà Nội và Tp. HCM trong năm 2004 bàn về chế độ chính sách sử dụng hiệu quả đội ngũ GS-PGS, nhiều ý kiến đề xuất rằng các GS-PGS sau khi được phong chức danh phải tham gia đào tạo đại học và SĐH, bồi dưỡng cán bộ khoa học trẻ, xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, tổ chức nghiên cứu khoa học... GS trong 3 năm sau khi được công nhận phải viết sách chuyên khảo hoặc giáo trình, sách tham khảo về lĩnh vực chuyên môn của mình, trong 2 năm sau khi được công nhận phải chủ trì ít nhất một đề tài NCKH cấp bộ trở lên... Như vậy, rõ ràng là trong hoàn cảnh những đặc điểm của văn hoá Việt Nam hiện nay, việc quy định mang tính định lượng chặt chẽ để dễ quản lý và thi hành là thật sự cần thiết.

Song nếu chỉ quy định chặt chẽ một chiều thì sẽ dẫn đến tình trạng chi ly máy móc – đó chính là hạn chế của Quyết định 174-2008 do HĐCDGS NN soạn thảo, khiến cho sau khi công bố đã xuất hiện nhiều ý kiến phản đối và góp ý của GS. Hoàng Tụy và một số nhà khoa học trong và ngoài nước [Hoàng Tụy 2009; Nguyễn Tiến Dũng 2009; Nguyễn Ngọc Châu 2009; Nguyễn Văn Tuấn 2009]. Trước mắt ta là một nghịch lý.

2.4. Giải pháp

Theo chúng tôi, giải pháp để thoát khỏi nghịch lý này là cần xây dựng một hệ thống quy định mang tính cấp hệ, vừa khái quát và chặt chẽ (mang tính bắt buộc) ở các cấp độ cao, nhưng lại phải vừa cụ thể và linh hoạt (có thể điều chỉnh trong giới hạn cho phép) ỏ các cấp độ thấp. Đối với nhiệm vụ của GS-PGS, có thể làm như sau:

Trước hết, cần thống nhất về những nguyên tắc chung. Có bốn điểm quan trọng trong việc giao nhiệm vụ cho GS-PGS cần thống nhất như sau:

1) Cấp bậc khoa học (academic rank) phải đi với nhiệm vụ chuyên môn, hạn chế tối đa việc giao nhiệm vụ hành chính.

2) Cấp bậc khoa học càng cao càng phải tăng cường nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổ chức NCKH, và đào tạo bậc cao (dạy SĐH, hướng dẫn NCS) và, tương ứng, phải giảm nhiệm vụ đào tạo đơn giản (dạy SV)[5].

3) Nhiệm vụ và quyền lợi (chế độ chính sách) phải tương ứng với nhau cả về định lượng và định tính.

4) Các nhiệm vụ và quyền lợi này chỉ có hiệu lực đối với các GS-PGS thực thụ, chúng không liên quan đến các GS danh dự, các cựu GS, v.v.

Tiếp theo, so sánh 11 nhiệm vụ của GS-PGS trong Quyết định 64-2008 và Quyết định 174-2008 với 9 nhiệm vụ mà các trường đại học nước ngoài thường quy định, có thể thấy 11 nhiệm vụ đó đều có thể quy về 8 trong số 9 nhiệm vụ của các trường đại học nước ngoài này. Đó là:

1)        Giảng dạy ĐH, SĐH

2)        Hướng dẫn CH, NCS

3)        Nghiên cứu khoa học

4)        Biên soạn chương trình đào tạo, phát triển ngành

5)        Biên soạn tài liệu giảng dạy (= xuất bản sách)

6)        Hoạt động tư vấn, huấn luyện, hội thảo

7)        Tổ chức nghiên cứu khoa học

8)        Quản lý chuyên môn.

Nhiệm vụ duy nhất mà 2 văn bản của Việt Nam không đưa vào là việc tìm tài trợ cho các công trình nghiên cứu. Điều này là hợp lý vì hoạt động này không phải GS nào cũng làm được – ngay ở nước ngoài cũng chỉ có rất ít đại học coi công việc này là nhiệm vụ. 

Đến lượt mình, 8 nhiệm vụ này lại có thể quy tiếp về ba nhóm:

Nhóm I là hoạt động đào tạo bao gồm 2 nhiệm vụ 1-2 (Giảng dạy ĐH, SĐH và Hướng dẫn CH, NCS).

Nhóm II là hoạt động học thuật bao gồm 4 nhiệm vụ 3-6 (Nghiên cứu khoa học; Biên soạn chương trình đào tạo, phát triển ngành; Biên soạn tài liệu giảng dạy (= xuất bản sách); và Hoạt động tư vấn, huấn luyện, hội thảo).

Nhóm III là hoạt động quản lý giáo dục và (quản lý) nghiên cứu khoa học bao gồm 2 nhiệm vụ 7-8 (Tổ chức nghiên cứu khoa học; Quản lý chuyên môn).

Đối với GS thì cả ba loại công việc này là phân bố cứng, bắt buộc mỗi người đều phải thực hiện. Theo cơ cấu chuyên môn, ngoài hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, GS phải đảm nhận nhiệm vụ hoặc là trưởng bộ môn, hoặc là đứng đầu một nhóm nghiên cứu với một hướng đi riêng. PGS thì sẽ tham gia trong nhóm nghiên cứu của GS nên hoạt động quản lý thuộc loại phân bố mềm (theo sự phân công của GS). Tỷ lệ giữa ba loại hoạt động này có thể được cụ thể hóa dưới dạng định mức thời gian làm việc.

Điều 9 trong Quyết định 64-2008 quy định định mức thời gian làm việc trong một năm là 1.760 giờ và được phân bố cho các chức danh như sau (x. bảng 3).

Bảng 3: Định mức thời gian làm việc trong năm theo Quyết định 64-2008

Nhiệm vụ

Giảng viên

Phó giáo sư và             giảng viên chính

Giáo sư và giảng viên cao cấp

Giảng dạy

900 giờ

900 giờ

900 giờ

Nghiên cứu khoa học

500 giờ

600 giờ

700 giờ

Hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác

360 giờ

260 giờ

160 giờ

 

Định mức thời gian này thể hiện quan niệm coi trọng nhiệm vụ giảng dạy hơn nhiệm vụ nghiên cứu. Điều này có thể đúng với chức danh giảng viên và với các trường đại học thông thường, nhưng không thể đúng với các đại học nghiên cứu chất lượng cao (như đại học quốc gia). Với các GS-PGS ở đại học nghiên cứu thì thời gian dành cho hoạt động học thuật phải nhiều hơn thời gian dành cho hoạt động giảng dạy. Chúng tôi đề xuất định mức thời gian làm việc trong năm cho GS-PGS ĐHQG Tp. HCM như sau (x. bảng 4).

Bảng 4: Định mức thời gian làm việc trong năm
cho GS-PGS ĐHQG Tp. HCM

Nhiệm vụ

Phó giáo sư

Giáo sư

Hoạt động đào tạo

620 giờ

560 giờ

Hoạt động học thuật

1000 giờ

1000 giờ

Hoạt động quản lý (GD, NCKH)

140 giờ

200 giờ

 

Các nhiệm vụ cụ thể trong mỗi nhóm hoạt động có thể được định mức chi tiết cho GS trong bảng 5 và cho PGS trong bảng 6. Các định mức này thuộc loại phân bố mềm, tức là có thể linh hoạt điều chỉnh trong nội bộ mỗi nhóm hoạt động theo nguyên tắc phân bố bổ sung.

Bảng 5: Định mức thời gian làm việc chi tiết trong năm
cho GS ĐHQG Tp. HCM

A- Phân bố mềm

B- Phân bố cứng

[A1] 300 giờ giảng dạy[6]

[B1] 560 giờ hoạt
động đào tạo

1.760 giờ

[A2] 260 giờ hướng dẫn LV/LA[7]

[A3] 300 giờ chuẩn bị bài giảng, biên soạn tài liệu giảng dạy

[B2] 1.000 giờ hoạt
động học thuật

[A4] 500 giờ nghiên cứu khoa học

[A5] 100 giờ biên soạn chương trình đào tạo, phát triển ngành

[A6] 100 giờ hoạt động tư vấn, huấn luyện, hội thảo

[A6] 100 giờ tổ chức nghiên cứu khoa học

[B3] 200 giờ hoạt
động quản lý
(GD, NCKH)

[A7] 100 giờ quản lý chuyên môn

 

Bảng 6: Định mức thời gian làm việc chi tiết trong năm
cho PGS ĐHQG Tp. HCM

A- Phân bố mềm

B- Phân bố cứng

[A1] 360 giờ giảng dạy[8]

[B1] 620 giờ hoạt
động đào tạo

1.760 giờ

[A2] 260 giờ hướng dẫn LV/LA

[A3] 400 giờ chuẩn bị bài giảng, biên soạn tài liệu giảng dạy

[B2] 1.000 giờ hoạt
động học thuật

[A4] 500 giờ nghiên cứu khoa học

[A5] 50 giờ biên soạn chương trình đào tạo, phát triển ngành

[A6] 50 giờ hoạt động tư vấn, huấn luyện, hội thảo

[A6] 70 giờ tổ chức nghiên cứu khoa học

[B3] 140 giờ hoạt
động quản lý
(GD, NCKH)

[A7] 70 giờ quản lý chuyên môn

 

2.5. Cụ thể hóa

Nhiệm vụ đào tạo A2 với thời gian 6 giờ/tuần và 44 tuần/năm (chung cho cả GS-PGS) có thể quy định cụ thể là ở những ngành có đào tạo SĐH thì tại mỗi thời điểm, một GS phải hướng dẫn từ 1 đến 5 NCS viết luận án TS, từ 2 đến 6 HVCH viết luận văn ThS. PGS phải hướng dẫn từ 0 đến 3 NCS viết luận án TS, từ 2 đến 4 HVCH viết luận văn ThS. Hoặc phải bồi dưỡng dìu dắt cán bộ khoa học trẻ có kết quả cụ thể.

Nhiệm vụ hoạt động học thuật A3 là chuẩn bị bài giảng (300 giờ với GS và 400 giờ với PGS) có thể quy định cụ thể là hàng năm GS-PGS phải công bố tập bài giảng với 10-15% nội dung được đổi mới. Trong 4 năm sau khi được công nhận, GS phải xuất bản được ít nhất 1 cuốn giáo trình / sách hướng dẫn / hoặc sách tham khảo. Đối với PGS, thời hạn này là 7 năm.

Nhiệm vụ hoạt động học thuật A4 là nghiên cứu khoa học có thể quy định cụ thể là mỗi năm, GS phải có ít nhất 1 bài báo khoa học đăng tạp chí khoa học chuyên ngành và 1 báo cáo khoa học ở hội nghị hội thảo; PGS phải có ít nhất 1 trong hai loại đó. Các hoạt động học thuật khác như biên soạn chương trình đào tạo, phát triển ngành (A5) và hoạt động tư vấn, huấn luyện, hội thảo (A6) sẽ được quy đổi và tính theo nguyên tắc phân bố bổ sung với các công việc vừa nêu.

Nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu khoa học (A6) và quản lý chuyên môn (A7) thể hiện ở việc lãnh đạo, quản lý chuyên môn (vd, đứng đầu các khoa, bộ môn, trưởng các phòng thí nghiệm...) và/hoặc tổ chức, điều hành hoạt động nghiên cứu khoa học (vd, chủ nhiệm các đề tài cấp bộ, ĐHQG, trọng điểm - ĐHQG, nhà nước; tổ chức hội thảo hội nghị). Có thể quy định là trong thời gian 2 năm kể từ khi có quyết định công nhận, GS phải chủ trì ít nhất một đề tài NCKH cấp bộ trở lên (đối với PGS là 3 năm). Sau mỗi 4 năm, nhóm nghiên cứu của GS phải có sản phẩm khoa học đặc thù có độ trích dẫn cao.

2.6. Nguyên tắc phân bố bổ sung

Các nhiệm vụ trên không nhất thiết bắt buộc phải được thực hiện như nhau. Việc thực hiện chúng được quản lý theo nguyên tắc phân bố bổ sung: nhiệm vụ này ít thì nhiệm vụ khác cùng nhóm sẽ phải thực hiện nhiều lên để bù lại.

Nguyên tắc này sẽ giúp giải quyết những trường hợp như nếu ở một ngành đào tạo cụ thể nào đấy không có HVCH hoặc NCS thì GS-PGS thay vì “hướng dẫn CH, NCS”, sẽ phải tăng cường “giảng dạy đại học”.

Nguyên tắc phân bố bổ sung áp dụng không chỉ vê lượng mà cả về chất: chất lượng cao (có thể đánh giá, chẳng hạn qua độ trích dẫn) có thể bù cho số lượng. Một bài báo về các khoa học tự nhiên và công nghệ đăng ở tạp chí nước ngoài có độ trích dẫn cao có thể đánh đổ hàng chục bài tầm thường khác. Trong khoa học xã hội và nhân văn tuy không phổ biến hình thức công bố dưới dạng bài báo trên các tạp chí quốc tế (vì KHXH-NV vốn mang tính dân tộc, quốc gia), nhưng một cuốn sách /bài báo được nhắc đến nhiều trên google.com và nếu lại được dịch ra nhiều thứ tiếng thì rõ ràng là công trình có giá trị.

3. Về chế độ chính sách cho GS-PGS

3.1. Chế độ chính sách dành cho GS ở các trường đại học nước ngoài

Khảo sát quy định của một số trường đại học nước ngoài về chế độ chính sách dành cho GS cho thấy hay được nhắc đến hơn cả là 3 loại chế độ: (a) lương; (b) Trợ cấp chỗ ở, phí đi lại, hỗ trợ học phí con cái; (c) Trợ cấp y tế, bảo hiểm, làm ngoài giờ, gửi trẻ. Điều kiện làm việc (có phòng làm việc riêng với bàn ghế, máy tính nối mạng) chỉ có Đại học Quốc gia Singapore đề cập đến. Còn việc có trợ lý giảng dạy và nghiên cứu (được trả lương) thì không thấy nhắc đến ở một trường đại học nào. Tuy nhiên, điều đó phải được hiểu ngược lại rằng đó là hai điều kiện đương nhiên mà bất kỳ trường đại học nào trên thế giới cũng đáp ứng nên không cần ghi vào văn bản.

Đại học Quốc gia Úc (The Australian National University) ghi trong quy định là có thể yêu cầu được cung cấp máy tính xách tay và xe hơi nhưng sẽ trừ vào tiền lương. Các trường đều có ghi “Sẽ thưởng nếu hoàn thành tốt”.

Tình hình chế độ chính sách dành cho GS ở một số trường đại học nước ngoài được phản ánh trong bảng sau (bảng 7).

Bảng 7: Chế độ chính sách dành cho GS ở một số trường đại học nước ngoài

 

Lương mức cao nhất hoặc thứ hai
(USD/ tháng)

Có phòng làm việc riêng (bàn ghế, máy tính nối mạng)

Có trợ lý giảng dạy và nghiên cứu

Trợ cấp chỗ ở, phí đi lại, hỗ trợ học phí con cái

Trợ cấp y tế, bảo hiểm, làm ngoài giờ, gửi trẻ

GS

PGS

University of Leuven, Hà Lan

5.465-8.250

-

[+]

[+]

+

+

The Australian National University

7.900-10.000

6.800-8.000

[+]

[+]

 

+

AIT Asian Institute of Technology, Thái Lan

5000-6166

4.000-5.200

[+]

[+]

+

+

National University of Singapore

8.800-14.700

5.900-11.800

+

[+]

 

 

 

Một nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế thuộc Trường cao đẳng Boston (Mỹ) vào năm 2008 về so sánh lương giảng viên đại học của 15 nước trên thế giới (bao gồm: Canada, Mỹ, Úc, Đức, Anh, Pháp, Arập Saudi, New Zealand, Nhật, Nam Phi, Malaysia, Colombia, Argentina, Ấn Độ, Trung Quốc) cho thấy, mức lương trung bình dành cho GS như những giảng viên hàng đầu (top-level) của các nước này là 5.318 USD/tháng. Mức lương trung bình thấp nhất trong 15 nước này thuộc về GS Trung Quốc là 1.845 USD/tháng [Diệu Thuỳ 2009].

3.2. Chế độ chính sách dành cho GS ở các trường đại học Việt Nam

Trong khi đó, theo theo Cổng TTĐT của Chính phủ Việt Nam thì mức lương trung bình của GS Việt Nam vào năm 2008 là 200 USD/tháng, thuộc diện thấp nhất thế giới (so với lương trung bình của GS ở châu Á là 1.000 USD) [Nâng cao 2008], còn ở Việt Nam thì mức lương này thấp hơn rất nhiều nghề: Trợ lý: 4.000.000đ - 5.000.000đ; Phiên dịch: 5.000.000đ; Chuyên viên: 4.000.000đ; Trưởng Phòng: 8.000.000đ; Giám Đốc: 15.000.000đ [Lương trung bình 2006].

Theo đánh giá của một số người trong cuộc thì toàn bộ thu nhập của giáo sư Việt Nam từ trường đại học nơi mình làm việc trung bình là 4-5 triệu VNĐ/tháng, chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu bản thân và gia đình [Hạ Anh 2003; Diệu Thuỳ 2009].

Tổ nhiệm vụ, chế độ chính sách đề xuất các GS-PGS của ĐHQG Tp. HCM sau khi bổ nhiệm được tạo các điều kiện thuận lợi để làm việc và được hưởng các quyền lợi sau:

1)       Mức lương cạnh tranh, theo năng lực và kinh nghiệm (có báo cáo riêng của GS. Phạm Phụ).

2)       Được sử dụng cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị để làm việc. GS có phòng làm việc riêng, bàn ghế, tủ sách, máy tính xách tay. PGS có bàn làm việc riêng, máy tính nối mạng.

3)       GS có quyền chọn hai trợ lý, PGS có một trợ lý giúp việc (có phụ cấp) trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; đồng thời GS và PGS có trách nhiệm đào tạo họ trưởng thành trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

4)       GS-PGS được hưởng các loại trợ cấp về bảo hiểm, y tế và liên lạc. Được hưởng phụ cấp về chỗ ở và đi lại. Được hưởng phụ cấp hỗ trợ mua sắm tài liệu, trang thiết bị. Được ưu đãi sử dụng các dịch vụ trong trường.

5)       Mỗi năm một lần, GS được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí để đi dự hội thảo khoa học ở nước ngoài để tiếp xúc trao đổi khoa học, cập nhật kiến thức; GS và PGS được cấp kinh phí để đi dự hội thảo khoa học trong nước. GS 3 năm một lần, PGS 6 năm một lần được nghỉ một học kỳ giữ nguyên lương để tập trung nghiên cứu khoa học; sau khi trở lại phải có báo cáo với kết quả cụ thể.

6)       GS-PGS được ưu  tiên:

a)       Đề cử hoặc xét duyệt cấp kinh phí để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án KHCN phù hợp với chuyên môn và yêu cầu của thực tiễn;

b)       Giao những nhiệm vụ đào tạo, NCKH đặc biệt để phát triển chuyên môn;

c)       Xét hỗ trợ kinh phí để xuất bản, công bố các công trình khoa học, các phát minh, sáng chế;

d)       Được xét duyệt, cấp trích thưởng từ 5%-15% tuỳ theo giá trị và hiệu quả của công trình, đề án, ứng dụng khoa học công nghệ mà GS-PGS chủ trì thực hiện mang lại.

3.3. Chế độ chính sách đối với GS-PGS trong quan hệ với vấn đề công bằng xã hội và tính khả thi

Mới nhìn vào các đề xuất về chế độ chính sách nêu trên có thể có người đặt ra câu hỏi rằng dường như những ưu đãi dành cho các GS-PGS có thể tạo nên sự bất công giữa GS-PGS với các giảng viên khác. Vấn đề này nên nhìn nhận như thế nào?

Công bằng và hạnh phúc là những mục tiêu mà con đường xây dựng CNXH hướng tới. Giai đoạn trước đây (1954-1986) trong xã hội ta đã từng tồn tại một sự “công bằng’. Đó là công bằng cơ học, mà thực chất là căn bệnh cào bằng do hậu quả của một nền văn hoá nông nghiệp để lại. Cào bằng không chỉ trong chế độ chính sách mà cả trong danh nghĩa, khi mà chức danh giáo sư hầu như không sử dụng, thay vào đó là khái niệm “cán bộ giảng dạy” chung cho tất cả những người làm nghề giảng dạy đại học. Cào bằng những người có năng lực khác nhau, đóng góp khác nhau không những không đem lại hạnh phúc mà ngược lại, đã đem lại sự bất công, và đã dẫn đến hậu quả nhãn tiền là sự trì trệ trong khoa học và giáo dục, giống hệt như tình hình đã xảy ra trong mọi lĩnh vực khác mà điền hình nhất là trong sản xuất nông nghiệp với phong trao hợp tác xã. Như vậy công bằng phải được hiểu là danh phải đi đôi với thực, chứ tuyệt đối không được hiểu thành cào bằng.

 Ngày nay, với những nỗ lực rất lớn, trong lĩnh vực khoa học - giáo dục mới giải quyết quyết được công bằng ở phần danh: năng lực và đóng góp khác nhau thì có danh khác nhau. Nhưng ở phần thực vẫn còn bất công. Sự thất bại của đề án chế độ chính sách đối với GS-PGS do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đưa ra những năm 2004-05 cho thấy các nhà quản lý vẫn chưa đủ bản lĩnh để thoát ra khỏi sức ỳ truyền thống (khó khăn chính là nằm ở sức ỳ này chứ không phải ở mặt kinh tế, vì số lượng GS-PGS trong cả nước rất ít).

Hơn nữa, không bao giờ có công bằng tuyệt đối. Trong xã hội luôn tồn tại rất nhiều bất công, ai cũng thấy rằng từ sau đổi mới và hội nhập, khi cuộc sống khá lên thì sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội cũng gia tăng với tốc độ chóng mặt. Sự chênh lệch giàu nghèo ấy một phần là để phù hợp với sự sự chênh lệch về năng lực và đóng góp mà trước đây đã bị cào bằng. Chính sách chế độ phải hướng đến phát triển, mà muốn phát triển thì phải biết tổ chức lại cuộc phân chia một cách khôn khéo sao cho mọi người đều có thể chấp nhận được. Phải đạt được công bằng đã rồi mới có thể nói đến công bằng - bình đẳng trong cơ hội. Nếu không thì sẽ rơi vào nghịch lý của sự phát triển: phát triển thì xuất hiện chênh lệch, chênh lệch thì bất công; mà công bằng thì dẫn đến cào bằng, cào bằng thì trì trệ. Đó là vòng xoáy bế tắc.

Trong kinh tế, nghịch lý này đã được xử lý tốt: Chấp nhận bất công bộ phận (có chính sách khuyến khích riêng các khu tam giác, tứ giác phát triển, các khu công nghiệp, khu chế xuất; các ngành nghề quan trọng…), ta thấy rõ rằng thu nhập giữa các ngành, các địa phương hiện nay có sự chênh lệch cực kỳ lớn.

Tương tự, trong khoa học - giáo dục, cần tạo điều kiện cho những người có khả năng đóng góp nhất (số này có số lượng ít nên phương án này hoàn toàn khả thi) làm việc với hiệu quả cao nhất. Điều đó sẽ tạo nên một cú hích, một sức bật, nó tạo nên hiệu quả và thúc đẩy cả giới khoa học - giáo dục phấn đấu. Mọi giảng viên trẻ đều có cơ hội trở thành giáo sư –  đấy chính là công bằng về cơ hội, công bằng theo chiều dọc giữa các thế hệ. Nó sẽ làm bộc lộ những GS-PGS bất tài, được phong mà không có đóng góp gì, họ sẽ bị đào thải –  đấy chính là công bằng công bằng theo chiều ngang, công bằng về sự tương ứng giữa đóng góp và hưởng thụ.

Trong xã hội truyền thống, người Việt Nam đã phấn đấu làm quan. Từ sau đổi mới, trong lớp trẻ xuất hiện thêm mong muốn làm cho cty nước ngoài, phấn đấu trở thành doanh nhân. Những thay đổi này giúp cho xã hội phát triển về vật chất, kinh tế.

Muốn cho xã hội phát triển toàn diện, còn phải làm sao lớp trẻ phấn đấu làm nhà khoa học, làm giáo sư. Thay đổi này sẽ giúp cho xã hội phát triển về tinh thần, về văn hoá, về trí tuệ. Mà tinh thần, văn hoá, trí tuệ mới chính là nền tảng bền vững của xã hội, là cơ sở vững chắc cho kinh tế phát triển.

 

Tài liệu tham khảo

1)            Chế độ ưu đãi HCM 2003: Quyết định số 895/QĐ/ĐHQG/TCCB ngày 28-10-2003 của Giám đốc ĐHQG Tp.HCM quy định về chế độ ưu đãi để thu hút và sử dụng cán bộ trình độ cao.

2)            Chế độ ưu đãi HN 2009: Hướng dẫn chế độ, chính sách ưu đãi cán bộ khoa học trình độ cao của ĐHQG Hà Nội

3)            Diệu Thuỳ 2009: Giảng viên đại học có sống được bằng lương? http://www.sgtt.com.vn/detail55.aspx?newsid=56442&fld=HTMG/2009/0903/56442

4)            GS trình độ QT 2008: VN có bao nhiêu GS, PGS trình độ quốc tế? http://vietbao.vn/Giao-duc/VN-co-bao-nhieu-GS-PGS-trinh-do-quoc-te/75173685/203/

5)            Giang Nam 2008: Trở thành Giáo sư ở nước ngoài “dễ” hơn Giáo sư “quốc nội”! http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=3680

6)            Hạ Anh 2003: Giáo sư 'ngồi chiếu dưới' trưởng phòng, ca sĩ, bảo vệ! http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2003/4/9578/

7)            Hoàng Tuỵ 2004: Kiến nghị về chấn hưng giáo dục của GS Hoàng Tuỵ. http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/hoso/2004/11/344286/

8)            Hoàng Tụy 2009: Giáo sư không phải 'giá trị quốc gia'. http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2009/01/822753/

9)            Hoàng Xuân Sính 2008: “Chức danh giáo sư ở Việt Nam giống như một thứ huân chương”. http://www.vnchannel.net/news/giao-duc/200803/chuc-danh-giao-su-o-viet-nam-giong-nhu-mot-thu-huan-chuong.64952.html

10)         Luật giáo dục 2005: Luật Giáo dục của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam số 38/2005/QH11 ngày 14-6-2005.

11)         Luật lao động 1994: Luật lao động của nước CHXHCN Việt Nam. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23-6-1994.

12)         Luật Lao động sửa đổi 2002: Luật bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 2-4-2002.

13)         Lương trung bình 2006: Mức lương trung bình cho một số vị trí công việc ở Việt Nam? http://www3.tuoitre.com.vn/ViecLam/Index.aspx?ArticleID=166977&ChannelID=269

14)         Nâng cao 2008: Nâng cao hơn nữa chất lượng Giáo sư - Phó Giáo sư của Việt Nam (theo Cổng TTĐT Chính phủ). http://www.tuyengiao.vn/Home/Thoisu/2008/7/180.aspx

15)         Nghị định 153- HĐBT 1989: Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng số 153- HĐBT ngày 25-9-1989 v/v thành lập Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước.

16)         Nghị định 20-CP 2001: Nghị định của Chính phủ số 20/2001/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh GS và PGS.

17)         Nguyễn Ngọc Châu 2009: Đề xuất cách chấm điểm nhà khoa học. - http://www.baodatviet.vn/Home/KHCN/De-xuat-cach-cham-diem-nha-khoa-hoc/20094/38450.datviet

18)         Nguyễn Tiến Dũng 2009: Cải cách về học hàm và học vị. - http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=65&CategoryID=6&News=2629

19)         Nguyễn Văn Tuấn 2009: Chấm điểm nhà khoa học 'kiểu Úc'. - http://www.baodatviet.vn/Home/KHCN/Cham-diem-nha-khoa-hoc-kieu-Uc/20094/38675.datviet

20)         Quyết định 162/CP-1976: Quyết định số 162/CP ngày 11-9-1976 của Hội đồng Chính phủ về hệ thống chức vụ khoa học và tiêu chuẩn các chức vụ khoa học trong lĩnh vực công tác giảng dạy đại học và công tác nghiên cứu khoa học.

21)         Quyết định 271-CP 1977: Quyết định số 271-CP ngày 1-10-1977 của Hội đồng Chính phủ về việc công nhận chức vụ Giáo sư và Phó Giáo sư trong lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học.

22)         Quyết định 64-2008: Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28-11-2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định Chế độ làm việc đối với giảng viên.

23)         Quyết định 174-2008: Quyết định 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh  giáo sư, phó giáo sư.

24)         Vì sao 2008: Vì sao cán bộ có năng lực xin nghỉ việc? http://dantri.com.vn/c0/s0-242338/vi-sao-can-bo-co-nang-luc-xin-nghi-viec.htm

25)         Thông tin về chế độ chính sách đối với GS, PGS của các trường đại học nước ngoài: Stanford University, Massachusetts Institute Technology (Mỹ); Harvard University, Manchester University (Anh); University College Dublin (Ireland); Swiss Federal Institute of Technology in Zurich (Thụy Điển); University of Leuven, Wageningen University (Hà Lan); Tokyo University (Nhật Bản); Hong Kong University of Science and Technology; National University of Singapore; AIT Asian Institute of Technology (Thái Lan); The Australian National University, University Queensland, Adelaide University (Úc).



[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/Học_hàm

[2] Vì vậy mà từ điển bách khoa Wikipedia coi “tiến sĩ” vừa là học vị (academic degree), vừa là chức danh (academic title). http://en.wikipedia.org/wiki/Doctor_(title)

[3] Năm nhiệm vụ đó là:

1. Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục;

2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường;

3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học;

4. Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học;

5. Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật [Luật giáo dục 2005].

[4] Vd: quy định số năm thâm niên gần nhất nhằm tránh tình trạng người không giảng dạy trở thành giáo sư, yêu cầu 2-3 minh chứng chồng lên nhau – như quyết định + hợp đồng + bản nghiệm thu – để tránh tình trạng ứng viên đi xin xác nhận giờ dạy mà do nể nang, nhiều hiệu trưởng xác nhận khống...

[5] Trừ trường hợp đặc biệt khi cần giảng những vấn đề khó cho SV đại trà (vd, dạy kiến thức nhập môn hoặc đại cương cho hàng trăm SV năm thứ nhất) thì lại cần đến GS có kinh nghiệm.

[6] 10 giờ/tuần x 30 tuần (15 tuần mỗi học kỳ).

[7] Khoảng 6 giờ/tuần x 44 tuần làm việc trong năm.

[8] 12 giờ/tuần x 30 tuần (15 tuần mỗi học kỳ).

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Vũ Huy Từ, Phạm Văn Hiếu. Phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0

  • Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục

  • Nghiêm Xuân Dũng. Quản lý nhà nước đối với đào tạo sau đại học dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

  • Nguyễn Vĩnh Nguyên. Cuộc chiến bên trong chúng ta

  • David Cyranoski. Mô hình chống Covid-19 của Trung Quốc: Bài học gì cho thế giới?

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 737
  • Tổng :
  • 3 7 8 3 7 8 6 7
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

Văn hóa giáo dục - khoa học