Chằn được gọi là Yaskha trong tiếng Sanskrit, còn tiếng Pali thì gọi là Yakkha. Phật giáo Nam tông lại có thêm từ Yasksi hay Yasksini để chỉ giống Chằn nữ. Yaksha nguyên gốc có thể là loại thần linh trong tín ngưỡng vạn vật hữu linh (animism). Truyền thuyết dân gian cho rằng Yasksha là thần cây, thần bảo vệ buôn làng và các giếng nước. Về sau Bà La Môn giáo mới biến Yasksha thành thần canh giữ kho báu, thuộc hạ của thần tài lộc Kubera. Còn theo Phật thoại Ấn Độ thì Yasksha là thuộc hạ của thần Vaisravana, thần trấn tri phương Bắc trong tín ngưỡng Thập nhị thiên vương của đạo Phật. Song Phật thoại Theravada ở Đông Nam Á lại có câu chuyện kể rằng Yasksha là giống quĩ Dạ Xoa chuyên ăn thịt người rồi được Đức Phật thu phục nên xin làm thần bảo vệ cho các ngôi chùa.
Tượng chằn đứng hai bên cổng chùa Wat Phra Keo - Bangkok
Hình tượng Yasksha trong các ngôi chùa Nam tông thường đứng theo cặp đôi. Thường là hai tượng nam thần đứng song song hai nên cổng chùa. Đầu Chằn đội mũ hình tháp (stupa), mình mặc áo giáp dày nặng, chân đi hài, hai tay chống lên cây chùy giống như kiểu tượng của thần Vishnu (thần Bảo tồn) hay Dvarapala (thần hộ pháp) trong điêu khắc Đông Nam Á. Đặc biệt, khuôn mặt nanh ác của hai ông Yasksha thường thể hiện bằng hai màu sắc khác nhau. Nếu đứng theo hướng từ cổng nhìn vào, du khách sẽ thấy Chằn bên trái có khuôn mặt màu xanh, Chằn bên phải có màu khuôn mặt màu đỏ. Ở một số chùa lại có hình tượng một cặp Chằn nam và nữ đứng cùng nhau.
Tượng Chằn đỡ mái tháp chùa Wat Phra Keo - Bangkok
Hệ phái Phật giáo Nam tông chỉ thờ duy nhất hình tượng Đức Phật Thích Ca trong chánh điện (Viharn). Trong chùa rất hiếm thấy trường hợp các nhân thần khác được thể hiện dưới dạng tượng tròn. Đôi khi phía trước ngôi chánh điện người ta có xây thêm một ngôi miếu nhỏ thờ vị nữ thần Đất mà theo Phật thoại thì thần đã làm phép biến suối tóc của mình thành một một dòng thác quét trôi đạo quân của quĩ vương Mara bảo vệ Đức Phật. Ngoài cổng là hình tượng của Chằn Yasksha đứng bảo vệ cho ngôi chùa. Hình tượng các nhân thần khác hay linh vật hiện diện xung quanh ngôi chùa thường chỉ mang tính chất trang trí hay nhắc nhở về một điển tích nào đó trong Phật thoại.
Rasksini, Chằn nữ, trang vẽ tường chùa Phra Keo - Bangkok
Tóm lại, cùng với tục sùng bái nữ thần Mẹ Đất, Yasksha cũng thuộc dạng tín ngưỡng dân gian có thể đã ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống tâm linh của cư dân thời kỳ Tiền Phật giáo. Về sau tín ngưỡng này mới hòa nhập vào Phật giáo Nam tông để làm thần bảo vệ chùa chiềng nên mới có chuyện Đức Phật thu phục Yasksha tương tự như mô típ của các câu chuyện về Đức Phật và rắn Naga hay Đức Phật và 36 vị thần Nát trong Phật thoại Miến Điện.
(Đã đăng: Tuổi Trẻ cuối tuần tháng 03 năm 2008)