logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa thế giới
  • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
Monday, 08 June 2020 11:00

Odd Arne Westad. Nguồn gốc hành vi của Trung Quốc

Người post bài:  Nguyễn Thị Tuyết Ngân

Additional Info

  • Tiêu đề:

    NGUỒN GỐC HÀNH VI CỦA TRUNG QUỐC

  • Tác giả:

    Odd Arne Westad

  • Chức danh:

    Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Odd Arne Westad. Nguồn gốc hành vi của Trung Quốc

Odd Arne Westad là Giáo sư Lịch sử và các Vấn đề Toàn cầu tại Đại học Yale và là tác giả cuốn The Cold War: A World History.

Tháng Hai năm 1946, khi Chiến tranh Lạnh còn đang phôi thai, George Kennan, quan chức hàng đầu của Sứ quán Mỹ ở Liên Xô, đã gửi một bức điện dài 5.000 từ trong đó ông lý giải các hành vi của Liên Xô và cách Mỹ nên đối phó. Một năm sau, bản ghi của “Bức điện dài” nổi tiếng của ông được biên tập thành một bài viết cũng đăng trên Foreign Affairs, “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô”. Dưới bút danh “X”, Kennan lập luận rằng hệ tư tưởng Mác – Lê-nin của Liên Xô là có thật và chính thế giới quan này, cộng với một cảm thức bất an nặng nề, là động cơ thúc đẩy Liên Xô bành trướng. Song điều này không có nghĩa là không thể tránh khỏi đối đầu trực diện, ông chỉ ra, bởi lẽ “điện Kremlin không hề hối tiếc khi phải nhượng bộ trước thế lực mạnh hơn.” Do đó, điều mà nước Mỹ phải làm nhằm đảm bảo an ninh lâu dài là ngăn chặn mối đe dọa từ Liên Xô. Nếu họ làm vậy, sức mạnh của Liên Xô cuối cùng sẽ suy sụp. Chiến lược ngăn chặn, nói cách khác, vừa là điều kiện cần vừa là điều kiện đủ.

Bài viết của Kennan trở thành “sách gối đầu giường” của bất cứ ai mong muốn tìm hiểu về cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Luôn gây tranh cãi và thường xuyên được chỉnh sửa lại (không chỉ bởi Kennan), chiến lược ngăn chặn mà Kennan đề ra đã định hình chính sách đối ngoại của Mỹ cho đến tận khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991. Và đúng như ông dự đoán, kết cục của cuộc đấu tranh này xuất phát từ cả sức mạnh và sự kiên định của Hoa Kỳ cùng các đồng minh cũng như những điểm yếu và mâu thuẫn trong nội tại hệ thống Liên Xô.

Giờ đây, hơn 70 năm sau, Mỹ và các đồng minh lại một lần nữa đối diện với một đối thủ cộng sản khác, kẻ xem nước Mỹ như một kình địch và đang thèm khát sự thống trị khu vực và ảnh hưởng toàn cầu. Đối với nhiều người, cả ở Washington và Bắc Kinh, sự so sánh là không thể cưỡng lại: có một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ  – Trung, và các nhà làm chính sách Mỹ  cần một bản “nâng cấp” của chiến lược ngăn chặn đề ra bởi Kennan. Tháng Tư vừa qua, Kiron Skinner, giám đốc hoạch định chính sách ở Bộ Ngoại giao Mỹ (vị trí của Kennan khi “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô” được xuất bản), đặc biệt kêu gọi một bài viết “X” mới, lần này về Trung Quốc.

Nhưng nếu có một cuộc điều tra như vậy được khởi động dựa trên điểm xuất phát của Kennan – với mục tiêu hiểu được các động cơ của đối phương – thì sự khác biệt cũng sẽ lớn như hai đường thẳng song song. Chính những khác biệt này, sự tương phản giữa nguồn gốc hành vi của Liên Xô ngày ấy và nguồn gốc hành vi của Trung Quốc ngày nay, sẽ cứu chúng ta thoát khỏi một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa.

Từ của cải đến quyền lực

Có hai sự thật chính về Trung Quốc ngày nay. Thứ nhất, quốc gia này vừa trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế với tốc độ thế giới chưa từng chứng kiến. Thứ hai, nước này được cai trị ngày càng độc tài hóa bởi một đảng cầm quyền không qua bầu cử, một đảng cầm tù người dân chỉ bởi họ có chính kiến, trong khi hạn chế mọi quyền tự do ngôn luận và hội họp. Dưới thời Tập Cận Bình, có nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn rút bỏ cả những quyền tự do hạn chế mà người dân được hưởng trong giai đoạn cải cách của Đặng Tiểu Bình. Có những chỉ dấu cho thấy đảng muốn kiểm soát cả thành phần kinh tế tư nhân bằng cách can thiệp ngày càng trực tiếp vào quy trình kinh doanh.

Đằng sau các chính sách này là sự nhấn mạnh ngày một tăng rằng mô hình phát triển của Trung Quốc ưu việt hơn mô hình của phương Tây. Trong một bài phát biểu năm 2017, ông Tập nói Bắc Kinh “vạch ra con đường mới cho các nước đang phát triển hướng tới hiện đại hóa” và “cung cấp một lựa chọn mới cho các quốc qua mong muốn tăng tốc phát triển trong khi vẫn giữ vững độc lập”. Theo ĐCSTQ, luận điệu của phương Tây về dân chủ chỉ là cái cớ để cướp bóc chủ quyền và tiềm năng kinh tế của các nước nghèo hơn. Theo quan điểm này, cũng như Trung Quốc cần chế độ độc tài nhằm giữ vững tăng trưởng kinh tế, các quốc gia khác có thể cũng vậy. Mặc dù niềm tin này vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi ở nước ngoài, song nhiều người Trung Quốc tin vào phiên bản chân lý của đảng, đồng ý với Tập rằng nhờ sự lãnh đạo của đảng mà “quốc gia Trung Quốc, với một vị thế hoàn toàn mới, giờ đây có thể đứng vững, hiên ngang ở phương Đông”.

Quan điểm ấy là nhờ sự cải thiện chất lượng sống chưa từng có ở Trung Quốc cũng như việc chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng cao. ĐCSTQ tuyên truyền không ngừng về sự vĩ đại và đúng đắn của Trung Quốc, trong khi người Trung Quốc, dễ hiểu là tự hào về những gì đã đạt được, ủng hộ nhiệt tình những lời kêu gọi này. Đảng cũng tuyên bố rằng thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, đang muốn đảo ngược đà tiến lên của Trung Quốc, hay chí ít là ngăn trở nước này trỗi dậy thêm nữa – y như bộ máy tuyên truyền của Liên Xô từng làm.

Một yếu tố làm cho thứ chủ nghĩa dân tộc này  trở nên cay nghiệt hơn là quan điểm lịch sử được thúc đẩy bởi ban lãnh đạo Trung Quốc cho rằng lịch sử nước này giai đoạn từ giữa thế kỷ 19 cho đến khi ĐCSTQ lên cầm quyền vào năm 1949 là một chuỗi những sự sỉ nhục dưới tay các thế lực ngoại bang. Mặc dù đúng là có một phần sự thật trong phiên bản lịch sử này, nhưng ĐCSTQ lại đưa ra tuyên bố đáng sợ rằng đảng là lực lượng duy nhất ngăn người Trung Quốc không bị bóc lột hơn nữa. Do đảng không thể lập luận rằng đất nước cần chế độ độc tài vì người Trung Quốc không thể tự quản trị chính mình, nên đảng phải tuyên bố cần tập trung quyền lực vào tay đảng nhằm bảo vệ quốc gia trước những sự ngược đãi đến từ bên ngoài. Song tập trung quyền lực quá mức như vậy có thể dẫn đến những hậu quả lớn. Như Kennan từng chẩn đoán một cách chính xác về Liên Xô: “nếu…có bất kì một tác nhân nào có thể phá vỡ tính thống nhất và hiệu lực của đảng trong vai trò một tổ chức chính trị, nước Nga Xô Viết có thể sẽ biến đổi chỉ trong vòng một đêm từ một cường quốc trở thành một trong những nước yếu và đáng thương nhất trong cộng đồng các quốc gia.”

Một mặt rắc rối khác của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc ngày nay là việc nước này không khác gì một đế quốc trên thực tế nhưng đang cố hành xử như một quốc gia-dân tộc. Hơn 40% lãnh thổ Trung Quốc – Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương – là vùng đất của các dân tộc không xem mình là người Hán. Mặc dù chính phủ dành những quyền đặc biệt cho “các dân tộc thiểu số”, song các vùng đất quê hương của họ đã bị hòa vào một khái niệm mới về “dân tộc Trung Hoa” và dần dần bị “xâm thực” bởi hơn 98% dân số cả nước – người Hán. Những người chống đối đều nhận lấy kết cục tù tội, tương tự số phận của những người yêu cầu quyền tự trị trong lòng đế chế Xô-viết.

Về đối ngoại, Trung Quốc giúp duy trì chế độ độc tài tệ hại nhất thế giới ở nước Triều Tiên láng giềng, trong khi thường xuyên đe dọa các hàng xóm của mình, bao gồm chính quyền dân chủ ở Đài Loan, hòn đảo Bắc Kinh tuyên bố là một tỉnh ly khai. Phần lớn những điều này không mang lại lợi thế chính trị hay ngoại giao cho Trung Quốc. Quá trình quân sự hóa các đảo xa xôi ở Biển Đông, cuộc tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và nỗ lực trừng phạt việc Hàn Quốc cho phép Mỹ đặt các bệ phóng tên lửa hiện đại đều đang phản tác dụng: Đông Á ngày nay lo sợ người Trung Quốc nhiều hơn hẳn một thập niên trước. (Chẳng hạn, số người Hàn Quốc có cái nhìn tích cực về Trung Quốc giảm từ 66% năm 2002 xuống chỉ còn 34%, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew). Bất chấp sụt giảm ủng hộ dành cho Trung Quốc, người dân trong khu vực đều cho rằng nước này sẽ trở thành cường quốc khu vực áp đảo trong tương lai và họ tốt nhất nên tự chuẩn bị cho chính mình.

Quan điểm này chủ yếu dựa vào thành tựu tăng trưởng kinh tế ngoạn mục mà Trung Quốc đạt được. Ngày nay, sức mạnh kinh tế Trung Quốc trong tương quan với Mỹ gấp 2 đến 3 lần sức mạnh của Liên Xô so với Mỹ. Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng những người cho rằng Trung Quốc sẽ đi theo con đường của Nhật Bản và rơi vào trì trệ kinh tế gần như đều đã sai. Kể cả khi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc có cao đến đâu đi nữa thì nước này vẫn còn đó một thị trường nội địa chưa khai thác hết, đủ sức làm động lực tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm tới. Trong khi đó phần còn lại của châu Á, một khu vực rộng lớn và năng động kinh tế hơn hẳn Tây Âu tại buổi đầu của Chiến tranh Lạnh, đều sợ Trung Quốc đến nỗi không dám dùng hàng rào thuế quan để đối phó với nước này.

Trên phương diện quân sự và chiến lược thì cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung là khó đo lường nhất. Hoa Kỳ có lợi thế quân sự hơn hẳn Trung Quốc: gấp 20 lần số đầu đạn hạt nhân, lực lượng không quân vượt trội hơn hẳn, và ngân sách quốc phòng gấp gần 3 lần ngân sách của Bắc Kinh. Họ đồng thời cũng có các đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc) cùng các đồng minh tiềm năng (Ấn Độ, Việt Nam) nằm ngay cạnh Trung Quốc, và các nước này đều đang củng cố sức mạnh quân sự của họ. Trái lại, Trung Quốc không có được những người bạn như thế ở Tây Bán Cầu.

Tuy nhiên, trong một thập niên qua, cán cân quyền lực ở Đông Á đã thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ngày nay, nước này đã có đủ tên lửa mặt đất, máy bay, và tàu chiến để tuyên bố rằng họ vượt trội về quân sự ở sân sau của mình. Lực lượng tên lửa của Trung Quốc là một mối đe dọa đủ lớn đối với các căn cứ không quân và tàu sân bay Mỹ khiến Mỹ không còn lấn át tuyệt đối trong khu vực được nữa. Vấn đề sẽ càng tồi tệ khi lực lượng hải quân Trung Quốc còn phát triển nhanh hơn nữa trong những năm tới, và công nghệ quân sự của họ – đặc biệt là công nghệ laser, drone, tác chiến mạng, và khả năng tác chiến ngoài không gian – sẽ sớm bắt kịp Mỹ. Mặc dù hiện tại Mỹ vượt trội về quân sự so với Trung Quốc hơn là so với Liên Xô ngày trước, nhưng Bắc Kinh có thể đuổi kịp nhanh hơn và toàn diện hơn Moskva. Nhìn tổng thể, Trung Quốc trông có vẻ là một đối thủ xứng tầm với Mỹ hơn là Liên Xô vào thời điểm Kennan đặt bút viết các đề nghị của ông.

Sự tương đồng giữa Trung Quốc và Liên Xô

Trung Quốc ngày nay và Liên Xô trước kia có nhiều điểm tương đồng đến ngạc nhiên – mà tất nhiên là bắt đầu với nhà nước cộng sản. Trong gần 40 năm, ấn tượng trước thành tựu kinh tế thị trường của Trung Quốc, phương Tây đã vô tình “quên” đi rằng nước này vẫn được điều hành bởi chế độ độc tài cộng sản. Mặc dù thỉnh thoảng có các lời nhắc nhở về sự tàn bạo của lãnh đạo Trung Quốc, chẳng hạn như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, phương Tây vẫn cho rằng Trung Quốc đang tự do hóa và đa nguyên hơn. Ngày nay, những dự đoán như vậy trông thật ngớ ngẩn: ĐCSTQ đang củng cố quyền lực và khả năng nắm quyền vĩnh viễn của họ. “Dự án vĩ đại mới về xây dựng Đảng…..đang bước vào giai đoạn tăng tốc”, ông Tập tuyên bố như vậy năm 2017. Ông nói thêm “Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa nhằm củng cố quyền lực, cũng như sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Trung ương Đảng…..Đảng luôn là xương sống của quốc gia”.

Một nét giống nhau nữa đó là cũng như Liên Xô tìm cách thống trị ở châu Âu, Trung Quốc tìm kiếm vị thế áp đảo ở Đông Á, một khu vực cũng quan trọng đối với Mỹ ngày nay như châu Âu vào buổi đầu của Chiến tranh Lạnh. Cách Trung Quốc tiến hành dự án này cũng giống hệt Liên Xô – uy hiếp quân sự và chính trị bên cạnh chiến thuật chia để trị –  thậm chí tiềm lực của họ còn hơn cả Liên Xô. Trừ khi nước Mỹ hành động để ngăn chặn Trung Quốc, Trung Quốc rồi sẽ trở thành kẻ thống trị tuyệt đối ở Đông Á, từ Nhật Bản đến Indonesia, vào cuối thập niên 2020.

Cũng như các lãnh đạo Liên Xô, các lãnh đạo Trung Quốc xem nước Mỹ là kẻ thù. Họ cẩn trọng và nhã nhặn ở bên ngoài, thường nhấn mạnh việc họ tuân thủ các thông lệ quốc tế, nhưng trong nội bộ Đảng, luận điệu quen thuộc của họ là nước Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc vươn lên thông qua công kích từ bên ngoài và phá hoại từ bên trong. “Chừng nào chúng ta còn kiên trì sự lãnh đạo của ĐCSTQ và chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”, một thông cáo của Đảng vào năm 2013 cho biết, “lập trường của các lực lượng chống Trung Quốc ở phương Tây nhằm gây áp lực cải cách sẽ không thay đổi, và chúng sẽ tiếp tục chĩa mũi giáo phương Tây hóa, chia rẽ, và “Cách mạng Màu” vào Trung Quốc”. Một giọng điệu chống Mỹ như vậy nghe giống hệt thứ tuyên truyền mà Stalin tạo nên cuối những năm 1940, bao gồm cả sự thúc đẩy công khai chủ nghĩa dân tộc. Năm 1949, Cục Thông tin các Đảng Cộng sản và Công nhân (Cominform) do Liên Xô lãnh đạo tuyên bố phương Tây có “mục tiêu tối thượng là thiết lập sự thống trị thế giới mang tính cưỡng bức của Anh-Mỹ, nô lệ hóa các quốc gia và dân tộc nước ngoài, phá hoại dân chủ và khởi động một cuộc chiến tranh mới.” Còn các lãnh đạo ĐCSTQ thì nói với người dân rằng người Mỹ ghét chúng ta chỉ bởi vì chúng ta là người Trung Quốc. Họ muốn thống trị thế giới, và chỉ có ĐCSTQ ngáng đường họ.

Ngày ấy và bây giờ

Nhưng Trung Quốc không phải là Liên Xô. Có một điều là hệ tư tưởng của Liên Xô về bản chất không tương thích với sự chung sống lâu dài với Mỹ. Từ Lenin về sau, các lãnh đạo Liên Xô nhìn thế giới bằng lăng kính có tổng bằng không: dân chủ tư sản và chủ nghĩa tư bản phải thất bại trước chủ nghĩa cộng sản. Có thể tồn tại những liên minh vì tình thế và cả các giai đoạn hòa dịu (détente), song cuối cùng, thể chế cộng sản phải thắng lợi ở mọi nơi để Liên Xô được an toàn. Nhưng ĐCSTQ thì không nghĩ vậy. Tổ chức này mang tính dân tộc nhiều hơn là tính quốc tế. Đảng nhìn nhận Washington như một trở ngại ngăn họ duy trì chế độ và thống trị khu vực, nhưng họ không cho rằng nước Mỹ hay mô hình chính phủ Mỹ phải bị đánh bại để đạt được các mục tiêu ấy.

Hơn nữa, xã hội Trung Quốc tương đồng với xã hội Mỹ hơn là xã hội Liên Xô. Ở Liên Xô, người dân chấp nhận và thích ứng với các chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, người Trung Quốc chỉ muốn vươn lên trong xã hội kinh tế định hướng thị trường cạnh tranh của họ. Đối với nhiều người, chủ nghĩa cộng sản chỉ là cái tên của đảng cầm quyền hơn là một mục tiêu cần hướng tới. Thật vậy, nhiều người ủng hộ ông Tập củng cố quyền lực, cho rằng Trung Quốc cần sự lãnh đạo cứng rắn sau thời kì chủ nghĩa cá nhân của những năm 1990 và đầu thế kỷ 21. Song không có ai, kể cả ông Tập, muốn quay trở lại những ngày tăm tối trước đổi mới và mở cửa. Bất chấp các luận điệu Mao-ít, ông Tập cả trong lời nói và hành động thậm chí còn xa rời Mao Trạch Đông hơn cả nhà lãnh đạo cải tổ Mikhail Gorbachev xa rời Lenin.

Một điểm nữa là người Trung Quốc đã trải qua một vài thập niên hòa bình đáng ghi nhận. Vào thời điểm 1947, người Nga vừa trải qua hơn 30 năm chiến tranh và cách mạng liên miên. Theo lời Kennan, họ “mệt mỏi cả về vật chất lẫn tinh thần.” Người Trung Quốc có trải nghiệm ngược lại: khoảng hai phần ba dân số chỉ biết đến hòa bình và thịnh vượng. Cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài gần nhất của nước này, tại Việt Nam, đã kết thúc 30 năm trước, và cuộc chiến lớn gần nhất của họ, chiến tranh Triều Tiên, kết thúc 70 năm trước. Một mặt, những thập niên thành công vừa qua cho thấy giá trị của hòa bình, khiến người dân e ngại mạo hiểm tất cả những điều ấy để theo đuổi một cuộc chiến. Mặt khác, sự thiếu vắng những trải nghiệm chiến tranh gần đây dẫn đến thái độ ngông cuồng của những người chưa từng trải qua cuộc chiến nào. Ngày nay, người ta có thể dễ dàng bắt gặp người Trung Quốc, đặc biệt là lứa trẻ, nói rằng họ cần tiến hành một cuộc chiến để không bị kiềm chế bởi Mỹ. Tập và nhóm của ông không phải là những kẻ liều lĩnh bẩm sinh. Nhưng trong một cuộc khủng hoảng, người Trung Quốc trông giống người Đức năm 1914 hơn là người Nga sau Thế chiến II – dễ bị kích động chứ không phải kiệt sức.

Cán cân quyền lực quốc tế cũng đã thay đổi rất nhiều kể từ thời Kennan. Ngày nay, thế giới ngày càng trở nên đa cực thay vì lưỡng cực. Đây là một quá trình chậm rãi, nhưng xu hướng của nó là có thật. Không như Chiến tranh Lạnh, cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc lớn nhất sẽ không dẫn đến thế lưỡng cực; thay vào đó, nó sẽ tạo cơ hội cho các cường quốc khác nhỏ hơn đuổi kịp, bởi vì không có sự cưỡng ép ý thức hệ nào, và lợi thế kinh tế là quan trọng hơn. Mỹ và Trung Quốc càng “đánh nhau” hăng, các cường quốc khác càng có cơ hội vượt lên. Kết quả có thể sớm muộn là một thế giới của các bá quyền khu vực.

Tình hình đối nội ở Mỹ cũng rất khác so với buổi đầu Chiến tranh Lạnh. Thời ấy đúng là có chia rẽ giữa các cử tri và mâu thuẫn giữa các cơ quan chính phủ, song không hề có sự phân cực và bế tắc như của nền chính trị Hoa Kỳ ngày nay. Giờ đây, nước Mỹ có vẻ như đã đánh mất uy tín cả ở trong nước và quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump, vị thế của Mỹ trên thế giới đang ở mức thấp chưa từng thấy, và ngay cả các đồng minh thân cận cũng không còn xem Mỹ là một đối tác tin cậy nữa. Từ trước khi ông Trump làm Tổng thống, giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ đã than phiền về sự suy giảm khả năng đạt được đồng thuận quanh các vấn đề quốc tế, nhưng họ không có khả năng sửa chữa vấn đề đó. Ngày nay, thế giới nghi ngờ khả năng lãnh đạo của Mỹ trong tất cả các vấn đề lớn nhỏ, những vấn đề mà sự lãnh đạo của Mỹ từng được coi là không thể thiếu.

Nền kinh tế Mỹ cũng liên hệ mật thiết với nền kinh tế Trung Quốc theo cách không thể tưởng tượng được với nền kinh tế Liên Xô. Như Kennan biết rõ, về kinh tế, Liên Xô không cần phải bị “ngăn chặn”; họ tự ngăn chặn chính mình bằng cách không tham dự vào đời sống kinh tế thế giới. Trung Quốc không như vậy, một phần ba GDP của họ liên quan đến xuất khẩu, và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Cố gắng tách kinh tế Mỹ khỏi kinh tế Trung Quốc bằng cách kiểm soát du lịch, cấm vận công nghệ, và hàng rào thuế sẽ không thành công, trừ khi hai nước thật sự ở trong tình trạng chiến tranh thực tế khiến cho mọi tương tác là không thể. Trong ngắn hạn, thuế quan có thể tạo lợi thế tạm thời, song về dài hạn, nó có thể làm lợi cho Trung Quốc bằng cách buộc nước này phải “tự thân” hơn, đó là chưa kể những thiệt hại đối với uy tín của Mỹ. Và do đó cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ phải được quản trị trong khuôn khổ mối quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau.

Cuối cùng, các lãnh đạo Trung Quốc có những“lá bài” quốc tế mà Liên Xô không có. So với nền chính trị dựa trên đấu tranh giai cấp mà Moskva “rao bán” xuyên suốt Chiến tranh Lạnh, vai trò của Trung Quốc đối với sự đoàn kết toàn cầu trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, thương mại, và bất bình đẳng sẽ được đón nhận nhiều hơn ở nước ngoài. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, chủ nghĩa bảo hộ, và bất bình đẳng kinh tế ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vì Hoa Kỳ đã không thể dẫn đầu trong bất kỳ vấn đề nào kể trên, chính phủ cộng sản Trung Quốc có thể thế vào chỗ trống đó và thuyết phục các nước rằng các chính phủ chuyên chế có thể giải quyết những vấn đề trên tốt hơn các nền dân chủ.

Điều Mỹ nên làm

Nguồn gốc hành vi của Trung Quốc, cùng với vai trò toàn cầu hiện nay của Mỹ, tạo nên mối quan hệ cạnh tranh khác hẳn so với sự đối đầu mà Kennan từng chứng kiến vào năm 1946 và 1947. Khả năng xảy ra một cuộc chiến tức thời thấp hơn, trong khi khả năng hợp tác có chừng mực lại cao hơn. Song mối nguy chủ nghĩa dân tộc làm leo thang các vòng tròn xung đột không ngừng mở rộng là lớn hơn, và quyết tâm của Trung Quốc trong việc xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á là bền bỉ hơn hẳn những gì Stalin từng cố làm ở châu Âu. Nếu Mỹ muốn cạnh tranh với Trung Quốc, họ phải chuẩn bị một chiến dịch gây ảnh hưởng lâu dài thử thách khả năng ưu tiên chiến lược và lên kế hoạch dài hạn của họ. Điều này đặc biệt đúng khi những thay đổi chóng mặt về kinh tế và công nghệ làm cho một chiến lược ngăn chặn truyền thống trở nên không khả dĩ – thông tin lan truyền dễ dàng hơn so với trước đây, nhất là tới Trung Quốc, vốn không hề có ý định biệt lập mình khỏi thế giới.

Mặc dù cạnh tranh Mỹ-Trung nhìn bề ngoài rất khác Chiến tranh Lạnh, song điều đó không có nghĩa “kế sách” của Kennan là không phù hợp. Như ông nói Mỹ cần tiếp tục hiện diện ở châu Âu, Hoa Kỳ hôm nay cũng cần giữ vững và xây dựng mối quan hệ sâu rộng với các nước châu Á vốn đang lo sợ trước hành động gây hấn của Bắc Kinh. Muốn đối phó với Liên Xô, Washington tiến hành kế hoạch Marshall (có một phần đóng góp của Kennan) vào năm 1948 và thành lập NATO (Kennan ít nhiều hoài nghi về tổ chức này) một năm sau. Ngày nay, tương tự như vậy, các mối quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Á là vừa về an ninh vừa về kinh tế. Trên thực tế, kinh tế giờ đây dĩ nhiên quan trọng hơn, khi mà Trung Quốc chủ yếu là một cường quốc kinh tế. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP cũng giống như việc Mỹ vừa tạo ra NATO rồi đột ngột rút đi vậy. Quyết định của chính quyền Trump có thể là hợp lý về mặt đối nội, nhưng về chính sách đối ngoại, đó là một thảm họa bởi nó cho phép Trung Quốc tuyên bố rằng Mỹ là một đối tác kém tin cậy ở châu Á.

Kennan cũng dự đoán Mỹ sẽ cạnh tranh với Liên Xô hàng thập kỷ, và do đó chính sách đối ngoại của Mỹ phải vừa dựa trên thương lượng và thỏa hiệp cũng như sự chuẩn bị lực lượng quân sự và các hoạt động tình báo. Các nhà hoạch định chính sách cùng thời với Kennan phải mất khá lâu để học bài học này, và chắc chắn rằng quá trình xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau đã góp phần đưa đến kết cục hòa bình của Chiến tranh Lạnh. Các quan chức Mỹ và Liên Xô có đủ liên lạc để vượt qua những tình huống xấu nhất và trì hoãn chiến tranh đủ lâu để Liên Xô thay đổi cách tiếp cận của mình đối với Mỹ và các vấn đề quốc tế nói chung.

Trung Quốc thậm chí còn dễ thay đổi thái độ hơn Liên Xô. Cuộc cạnh tranh hiện nay không phải là cuộc chạm trán giữa các nền văn minh – hay tệ hơn là giữa các chủng tộc, như Skinner chỉ ra hồi tháng 4 khi bà cho rằng Trung Quốc là “một đối thủ không có nguồn gốc da trắng.” Trái lại, nó là cuộc xung đột chính trị giữa hai cường quốc lớn. Một thiểu số đáng kể trong nội bộ Trung Quốc bất đồng với cuộc chơi quyền lực của các lãnh đạo của họ. Họ muốn một Trung Quốc tự do và công bằng hơn, hòa bình với hàng xóm và với Hoa Kỳ. Trung Quốc càng bị cô lập thì số người này sẽ càng ít đi, khi mà họ bị cuốn vào cơn sóng dữ của chủ nghĩa dân tộc. Như Kennan nhấn mạnh trong trường hợp Liên Xô, “các yêu cầu đối với chính sách của Nga nên được đề xuất theo hướng giữ cánh cửa mở cho một sự thỏa hiệp không quá xúc phạm đến lòng tự tôn của người Nga.”

Mỹ cũng nên kiến tạo một môi trường tích cực hơn không chỉ ở châu Á. Vào thời điểm Trung Quốc vẫn đang trỗi dậy, việc xem Nga như một kẻ xấu bất bình đứng ngoài lề hệ thống quốc tế là hoàn toàn không hợp lý. Washington nên đưa Nga vào một mối quan hệ hợp tác hơn với phương Tây bằng cách mở cửa cho các cơ hội hợp tác và giúp giải quyết xung đột ở đông Ukraine. Nếu Washington không làm điều này, cơn ác mộng chiến lược vốn ám ảnh các nhà hoạch định chính sách trong suốt Chiến tranh Lạnh sẽ trỗi dậy lần nữa: liên minh Nga-Trung. Ngày nay, sự kết hợp giữa tài nguyên của Nga và dân số của Trung Quốc sẽ tạo ra cho phương Tây một thách thức lớn hơn hẳn 70 năm trước. Như Kennan từng viết hồi năm 1954, mối đe dọa duy nhất đối với người Mỹ sẽ đến từ “sự hợp tác giữa các thế lực thống trị về tài nguyên hữu hình ở châu Âu và một cường quốc chính trị ở châu Á thù địch với [Mỹ].”

Tuy nhiên, một trong những tầm nhìn vĩ đại nhất của Kennan không phải là về các vấn đề quốc tế; mà là về chính trị Hoa Kỳ. Ông cảnh báo trong bài viết “X” của ông rằng “các dấu hiệu của sự do dự, không thống nhất và phân rã nội bộ” là mối nguy lớn nhất đối với nước Mỹ. Ông cũng cảnh báo về tính “ngại chi tiêu” vì các mục tiêu chung. Cũng như 70 năm trước, ngày nay để cạnh tranh, Mỹ cần phải chi nhiều hơn, đồng nghĩa với việc người Mỹ giàu có và các công ty phải đóng góp nhiều hơn, trong nỗ lực nhằm mang lại nền giáo dục hàng đầu, hạ tầng tầm cỡ thế giới, và nghiên cứu phát triển (R&D) hiệu quả nhất. Cạnh tranh với Trung Quốc sẽ không thể “tiết kiệm.” Và cuối cùng, Kennan phát biểu rằng quyền lực Mỹ phụ thuộc vào khả năng “tạo ra trước thế giới ấn tượng về một quốc gia biết mình muốn gì, một quốc gia đang đối phó thành công với các vấn đề nội tại và có trách nhiệm của một siêu cường toàn cầu, một quốc gia có sức sống tinh thần đủ khả năng giữ mình trước các dòng tư tưởng lớn của thời đại.”

Mặc dù bạn có thể diễn giải câu trích trên theo nhiều cách khác nhau, song các thách thức hôm nay vẫn ý hệt. Liệu cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ tập trung vào, như lời Kennan, “tâm trí nước Mỹ” đến mức từ bỏ các bất hòa trong nước nhằm đạt được đồng thuận? Nếu không có các yếu tố thống nhất thì, sớm hơn nhiều người nghĩ, sự suy giảm khả năng hành động có mục đích của Mỹ sẽ đưa đến một thế giới không chỉ đa cực mà còn hỗn loạn – một thế giới mà trong đó sự sợ hãi, căm thù, và tham vọng sẽ biến nhân loại thành con tin của những bản năng thấp hèn nhất mà con người có thể tưởng tượng ra./.

Nguồn: Odd Arne Westad, “The Source of Chinese Conduct”, Foregn Affairs, September/October 2019.

http://nghiencuuquocte.org/

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Miles Maochun Yu. Văn hóa chiến lược Trung Quốc và tranh chấp Biển Đông

  • Derek Grossman & Logan Ma. Lịch sử lực lượng dân quân biển Trung Quốc và hàm ý cho tương lai

  • Lý Hồng Phong. Chiến lược trỗi dậy về văn hóa của Trung Quốc

  • Lee Hee Yong. Tại sao Tân Thiên Địa bị coi là tà giáo?

  • Cuộc chiến chống lại chính sách Trung Quốc hóa của Mông Cổ

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 517
  • Tổng :
  • 3 7 7 6 8 0 2 2
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á