Triết gia Lương Kim Định (1914-1997)
Tới dự Tọa đàm có ông Trương Quang Được, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng CSVN khóa IX, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng ban Dân vận TƯ; có đại diện của Ủy ban đoàn kết Công giáo, ông Nguyễn Mạnh Can – Giám đốc Trung tâm văn hóa người cao tuổi; có các học giả như GS.TS. xã hội học Tô Duy Hợp, PGS.TS. sử học Chương Thâu, nhà Hán-Nôm học Trần Nghĩa, PGS.TS. văn học Trần Ngọc Vương, cùng nhiều học giả, nhà nghiên cứu và những người quan tâm (tổng số tham dự ước chừng trên 70 người).
Sau khi nghe nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh triết phát biểu khai mạc (x. toàn văn ở dưới), những người tham dự đã nghe hai diễn giả chính là nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy và GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm trình bày.
Bài thuyết trình của nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy gồm ba phần: (1) Đôi dòng về cuộc đời triết gia Kim Định; (2) Bước đầu tìm hiểu sự nghiệp triết gia kim Định; (3) Thử đánh giá cống hiến của triết gia Kim Định. Trong phần thứ ba, Hà Văn Thùy viết: “Từ nửa thế kỷ trước, Kim Định như nhà tiên tri thấu thị tuyên bố: người Việt chiếm đất Trung Quốc trước người Hoa và xây dựng nền văn hóa Việt nho nhân bản, minh triết! Cùng chung số phận những nhà tiên tri, suốt năm mươi năm Kim Định bị ghẻ lạnh và ném đá! Nhưng ngày nay, thời gian và khoa học minh chứng cho Kim Định. Thuyết Việt nho và An vi của ông trở thành báu vật không chỉ giúp dân tộc Việt tìm lại bản thể của mình để xây dựng một dân tộc Việt Nam mới mà còn thắp lên ngọn lửa minh triết soi đường cho nhân loại” (x. toàn văn Bài thuyết trình tại đây).
Bài thuyết trình của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm gồm bốn phần: (1) Hiện tượng Kim Định; (2) Những điểm mạnh và những thành công của Kim Định; (3) Những điểm yếu và những hạn chế của Kim Định; (4) Cơ hội, thách thức và những trách nhiệm của chúng ta. Ở Việt Nam sau 1975, GS. Trần Ngọc Thêm là người đầu tiên chính thức giới thiệu các công trình của Kim Định trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam xuất bản năm 1995 và trong chuyên luận Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam xuất bản năm 1996. Trong bài thuyết trình lần này, trong khi đánh giá cao năm điểm mạnh làm nên ba thành công lớn, cũng là những công lao đóng góp lớn của Kim Định, Trần Ngọc Thêm nêu ra bốn điểm yếu với ba hạn chế của Kim Định và đề nghị: “vào thời điểm hiện nay – 15 năm sau khi Kim Định đã ra người thiên cổ, những đóng góp của ông cần được đánh giá một cách bình tĩnh, khoa học, khách quan để phát huy những gì có thể phát huy được, trong những phạm vi và theo những cách thức phù hợp. Những hạn chế của ông cần được rút ra làm bài học để tránh lặp lại trong những nghiên cứu khoa học về sau”. Và diễn giả cảnh báo: “Tinh thần khoa học, khách quan đòi hỏi phải tránh không chỉ việc phê phán ông một cách cực đoan, mà cả việc ca ngợi ông một cách quá đà. Cần coi chừng quả lắc sau khi đã lắc quá mức sang tả sẽ rơi vào trạng thái ngược lại là vượt khung về bên hữu!” (x. toàn văn Bài thuyết trình tại đây).
Những người tham dự tọa đàm cũng đã nghe các tham luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, TS Trần Ngọc Linh, nhà nghiên cứu Ngô Sỹ Thuyết, bức thư của ông Vũ Khánh Thành - Chủ tịch Hội An Việt tại Vương quốc Anh (toàn văn ở dưới).
Sau đó là phần thảo luận, trao đổi với các phát biểu của PGS.TS. Trương Sỹ Hùng, GS.TS. Tô Duy Hợp và PGS.TS. Trần Ngọc Vương. Tọa đàm kết thúc vào lúc 12g15’. Buổi chiều, trong một phạm vi hẹp hơn đã diễn ra cuộc thảo luận bàn tròn, tiếp tục trao đổi về Kim Định và về việc hợp tác đẩy mạnh nghiên cứu minh triết và văn hóa Việt.
TS. Vũ Thị Tú Anh (Đại học Thái Nguyên, người dẫn chương trình) và quang cảnh hội trường vào giờ khai mạc
Ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh triết phát biểu khai mạc
Ông Trương Quang Được, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng CSVN khóa IX
Diễn giả thứ nhất - nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy
Diễn giả thứ hai - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh trình bày tham luận
PGS.TS. Trương Sỹ Hùng phát biểu trao đổi
GS.TS. Tô Duy Hợp phát biểu trao đổi
PGS.TS. Trần Ngọc Vương phát biểu trao đổi
Chụp ảnh lưu niệm
Thảo luận bàn tròn sau Tọa đàm
Phát biểu khai mạc
của ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh triết
Kính thưa các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà báo, các bạn thanh niên, sinh viên quan tâm đến lĩnh vực văn hóa của nước nhà,
Kính thưa các vị đại diện của Ủy ban đoàn kết Công giáo,
Kính thưa TS Đặng kim Ngọc GĐ TTVHVMQTG.
Chúng tôi vinh dự được chào đón các quý vị trong cuộc Tọa đàm tưởng niệm cố Triết gia Linh mục Lương Kim Định.
Trong sách Thi thiên của Kinh thánh, quyển III, mục 75, câu 6 có nói: “Vì chẳng phải phương Đông, phương Tây. Hay là từ phương Nam mà có sự tôn cao đến”. Có thể câu này là của Thiên chúa dành cho một người con của ngài, mà chúng ta tôn kính và hôm nay họp mặt để tưởng nhớ, để tìm hiểu những đống góp nhằm tôn cao cổ văn hóa Việt từ phương Nam đến.
Cố triết gia linh mục Lương Kim Định sính ngày 15-6-1915 tại làng Trung Thành, Nam Định, tốt nghiệp Triết học tại Chủng viện Albert le grand. Từ năm 1944-1946 dạy Triết học tại Chủng viện Bùi Chu. Năm 1947 đi học ở Pháp tại Học viện cao học Trung Quốc học - Institut des Hautes e’tudes Chinoises - Paris. Năm 1958 về nước, dạy Triết học ở Học viện Lê Bảo Tịnh - Gia Định,và ỏ nhiều trường ĐH ở MN. Sau 1975, cụ định cư tại Hoa Kỳ, từ trần ngày 25-3-1977 tại Missouri Hoa Kỳ, hưởng thọ 82 tuổi.
Thưa các quý vị,
Triết gia Lương Kim Định, một gương mặt văn hóa lớn của đất nước. Ông là Linh mục, là triết gia, nhưng trước hết là nhà nghiên cứu cổ văn hóa sử Việt Nam, từng để lại một di sản văn hóa đồ sộ với 46 đầu sách về những lĩnh vực trên. Ông đề xướng thuyết Việt Nho với những cột trụ triết lý: an vi, nhân bản, thái hòa, bình sản ... Lập thuyết của ông từng có dư luận khen – chê mà ông từng đề cập trong các trước tác của mình. Tuy nhiên, nhiều học giả trong nước tiếp nhận hướng nghiên cứu và phương pháp luận của ông đã có những công trình học thuật có giá trị. Môn đệ của ông ở nước ngoài trong làng An Việt đang tiếp tục cuộc nghiên cứu của ông và theo đuổi một lối sống minh triết đáng trân trọng.
Riêng về hai chữ Minh Triết thì có thể coi Lương Kim Định là người hiện đại đầu tiên đã cho sống lại khái niệm ấy và đã cho nó một hàm nghĩa khá có lý. Trước đó vào thế kỷ XVIII, Ngô Thì Nhậm đã đề cập đến khái niệm này trong bài phú Thiên quân thái nhiên.
Trung tâm Minh triết cho rằng việc tổ chức nghiên cứu những tác gia và tác phẩm của họ là một nhiệm vụ văn hóa, vừa là để tỏ lòng biết ơn vừa là sự trân trọng đối với những giá trị học thuật mà họ để lại cho đời. Với tinh thần ấy, hôm nay chúng tôi xin mời quý vị lắng nghe hai diễn giả: Nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy và GsTs Trần Ngọc Thêm trình bày những kiến giải của mình về học giả Triết gia Lương Kim Định. Đồng thời là những ý kiến của Giáo sư Sử học Chương Thâu, của nhà Lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh và của Ts triết học Trần Ngọc Linh. Ban Tổ chức cũng sẽ dành thì giờ để nghe những ý kiến trao đổi. Xin gửi cho chúng tôi phiếu đăng ký phát biểu.
Cuộc Tọa đàm này mở đầu cho những nghiên cứu tiếp theo về những vấn đề học thuật mà Triết gia Lương Kim Định đã đề xuất.
Xin cảm tạ các quý vị.
Thư của ông Vũ Khánh Thành
- Chủ tịch Hội An Việt tại Vương quốc Anh
gửi Giám đốc Trung tâm Minh triết
Thưa Giáo sư Nguyễn Khắc Mai thân mến,
Tuần trước tôi được anh Hà Văn Thùy cho biết, giáo sư sẽ tổ chức thảo luận về Kim Định tại Văn Miếu Hà Nội. Đáng lẽ tôi phải viết thư cho Giáo sư sớm hơn nhưng tôi phải nằm bệnh viện để giải phẫu cục u ở cổ nay mơi có vài dòng cảm ơn Giáo sư được. Xin giáo sư thứ lỗi.
Tôi rất vui khi được tin này và càng vui khi biết buổi tọa đàm lại được tổ chức tại Văn Miếu nữa, như một chỉ dấu về sự phục hưng văn hóa Việt Nam. Anh Trần Ngọc Thêm, Hà Văn Thùy cũng cộng tác với Giáo sư về việc này thì thật đáng quí. Xin.cho tôi gửi lời cảm ơn anh Thêm (tôi lạc mất email của anh Thêm rồi - tôi đã gặp anh Thêm tại London và anh Thêm cũng đã nói chuyện về văn hóa Việt Nam cho đồng bào Việt Nam tại Trung Tâm An Việt).
Sự nghiệp của Kim Định cho văn hóa Việt Nam rất lớn lao. Tôi không biết nói gì hơn là lặp lại lời của GS. Nguyễn Ngọc Bích, Giáo sư Đại học Geoge Maison Hoa Kỳ đã viết về Kim Định trong một cuộc Hội Thảo về Văn hóa Việt Nam tại Washington năm 1989 như sau:
“Trong nỗ lực đi tìm một con đường Việt tộc, nhân chủ, tự do thì chúng ta phải kể ở hàng đầu công trình đồ sộ của Linh mục Kim Định. Ở đâu cũng thế, không phải sang đến Mỹ ông mới tìm “về nguồn”. Việc làm của ông, trong một tình cảnh mất mát vô biên, chẳng qua cũng chỉ là tiếp nối công việc của ông đã bắt đầu khi còn ở trong nước... Từ 1963 tới nay, ông đã hòan tất được 23 cuốn triết học, tương đương với khoảng 7.000 trang – một mảng tư tưởng mà không dễ mấy triết gia có thể so sánh được.
Sự độc đáo ở nơi ông cũng đã là một chuyện quá rõ – dầu ta có đồng ý với ông hay không thì ta cũng không thể phủ nhận được tính cách độc đáo của tư tưởng ông. Có người đưa ra những thắc mắc như “nho học” thì rõ ràng là của Tàu, sao ông lại có thể quả quyết được là “nguyên nho” chính là “Việt Nho” (điều ông khẳng định trong sách Cửa Khổng)? Có người lại bảo, chứng minh về triết lý Việt Nam mà sao ông lại dung toàn tiếng Hán (như quan niệm “tả nhậm”, “Lạc thư” v.v.)?
Đối với tất cả những câu chất vấn đó, ông đều đã có câu trả lời mạch lạc và khúc triết: Tàu nó sang đô hộ ta và tìm cách hủy hết cả những di tích của một nền văn minh văn hóa rạng ngời (như Mã Viện đem cho thu hết trống đồng để đúc hình ngựa cho hắn, như quân Minh thu hồi hết sách vở trong nước để hoặc đem về Tàu hoặc cho đốt sách), trường hợp đó thì lấy đâu ra chứng minh cái của mình, cái của Việt tộc nếu không đi tìm ở trong sách Tàu? Thậm chí chính sự kiện Tàu tìm cách hủy diệt hết mà rồi cũng vẫn còn phải nhắc đến trống đồng, chẳng hạn, trong tiểu sử (“truyện”) của Mã Viện chính là bằng chứng hùng hồn của nền văn hóa trống đồng của ta...
Ngày nay, tham vọng cuối cùng của Linh Mục Kim Định là sẽ dựng xong một bộ kinh (hiểu theo nghĩa “Bible”) cho dân tộc ta. Để thực hiện tham vọng này, ông đã cho in lại hoặc đang in 5 cuốn thuộc bộ “Ngũ Kinh Khải Triết”, đó là: Hùng Việt Sử Ca, Kinh Hùng Khải Triết, Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc, Sứ Điệp Trống Đồng và Văn Lang Vũ Bộ (số lớn do nhà in H.T Kelton xuất bản).
Nếu ai hỏi tôi rằng có nên đọc hay không thì tôi xin thưa ngay: Dứt khoát là có! Tại sao? Tại vì, nếu ta không nhất thiết đồng ý với hết cả ý kiến của ông, ta cũng sẽ được làm thân với một trong những bộ óc triết lý lớn nhất, nếu không của nhân lọai, thì cũng của Việt Nam. Tôi nói điều này trong sự cân nhắc, cũng không khác gì câu tôi sẽ trả lời cho người nào hỏi: Có nên đọc Platon hay Aristote không? Đã nhất thiết gì ta đồng ý với Platon trong tác phẩm La République nhưng ai không đọc tác phẩm đó thì chắc chắn là mất đi một mảng hiểu biết rất rộng lớn về triết học Tây Phương. Cũng như vậy, ai không đọc Kim Định cũng không sao, ông sẽ từ tốn mà “an vi” để chờ một ngày kia người nọ sẽ tỉnh mộng mà trông thấy hết cả cái mất mát của mình”.
Chân thành cảm ơn và xin kính chào Giáo sư.
Chúc buổi Hội Luận thành công.
Vũ Khánh Thành
Giám Đốc Hội An Việt tại Vương Quốc Anh
www.anvietuk.org, www.anviettoancau.net